Gần đây, rapper Lil Nas X đã tung ra sản phẩm thời trang gây tranh cãi có tên gọi “Đôi giày Quỷ Sa-tăng”. Đôi giày có chứa giọt máu người đã làm dấy lên làn sóng tranh luận mạnh mẽ. Tác giả Cheryl Chumley đã có bài bình luận đăng trên Washington times về chủ đề này. Dưới đây là tóm tắt bài viết của bà.
Rapper Lil Nas X đã tung ra một sản phẩm giày thể thao có tên “Đôi giày Quỷ Sa-tăng”. Giày được thiết kế bao gồm cây thánh giá ngược, có ngôi sao năm cánh bằng đồng. Thân giày và hộp giày in dòng chữ “Luke 10:18” – nhắc tới đoạn Kinh thánh về câu chuyện quỷ Sa-tăng bị trục xuất khỏi thiên đàng. Ngoài ra, đế giày có chứa một giọt máu người thật.
Đây là một bức tranh rõ nét về sự suy đồi đạo đức của nước Mỹ. Thật đáng ngạc nhiên, [đôi giày được ra mắt] chính vào thời điểm lễ Phục sinh.
Đây không phải câu chuyện về một đôi giày.
Đây là thực tế rằng, một đôi giày được quảng bá như trao vinh quang cho quỷ Sa-tăng thực sự có thể thu hút sự quan tâm của dòng người tiêu dùng tại một quốc gia được thành lập dựa trên các nguyên tắc tin và tôn thờ Chúa.
Một quốc gia dựa trên khái niệm quyền cá nhân đến từ Chúa, chứ không phải đến từ chính phủ.
Một quốc gia cho rằng nền dân chủ cộng hòa sẽ chỉ tồn tại lâu bền nếu người dân có đạo đức và phẩm hạnh.
Một quốc gia theo quan điểm cho rằng, tự do gắn liền với tôn giáo và đạo đức, và khi nền văn hóa suy tàn, thì quyền tự do của công dân cũng theo đó mà giảm sút. Bởi vì sự sa đọa văn hóa sẽ tạo ra hỗn loạn, và hỗn loạn lại tạo ra Chính phủ lớn, một chính phủ can thiệp vào mọi khía cạnh của cuộc sống người dân.
Đôi giày được sản xuất với số lượng giới hạn là 666 (được coi là dấu ấn hiện thân của quỷ Sa-tăng).
Bà Chumley cho rằng, có thể đôi giày này chỉ là cách người ca sĩ nhạc Rap kiếm tiền nhanh chóng. Trước đó, vào năm 2019, MSCHF, công ty hợp tác sản xuất “Đôi giày Quỷ Sa-tăng” cũng từng tung ra đôi “Đôi giày Jesus” có chứa “nước thánh” từ sông Jordan. Tuy nhiên, tác giả tin rằng những sản phẩm này không hài hước cũng không phải vô hại về mặt văn hóa.
Bà cho rằng “Đôi giày Quỷ Sa-tăng” này đã trở thành xu hướng xã hội khi bình thường hóa cái ác. Bà nêu ra một số ví dụ về “bình thường hóa cái ác” như việc tung ra sản phẩm “Đôi giày Quỷ Sa-tăng”, việc nhóm Đền thờ Sa-tăng gây áp lực để đặt bức tượng Baphomet (một bức tượng hiện thân của quỷ Sa-tăng) nơi công cộng và đưa cuốn “Cuốn sách lớn về hoạt động của những đứa trẻ Sa-tăng” vào trường học công. Ngoài ra chính nhóm này cũng giành được danh hiệu miễn thuế IRS năm 2019 với tư cách là … một tổ chức từ thiện.
Bà Chumley nói “Đây chính là bình thường hóa cái ác”.
Tác giả tiếp tục “Tệ hơn nữa, cùng lúc cái ác đang trở thành xu hướng chủ đạo, thì sự tôn kính Chúa đang thụt lùi”.
“Trong một báo cáo cuối 2019, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, ở Hoa Kỳ, Cơ đốc giáo tiếp tục suy giảm ở mức nhanh chóng.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2019 cho thấy, 65% người Mỹ trưởng thành tự mô tả mình là người theo đạo Cơ đốc khi được hỏi về tôn giáo của mình, giảm 12 điểm phần trăm trong thập kỷ qua. Trong khi đó, tỷ lệ dân số không theo tôn giáo; bao gồm những người mô tả họ là người vô thần, bất khả tri hoặc không theo tôn giáo cụ thể nào; hiện ở mức 26%, tăng từ 17% năm 2009.
Đây là những thay đổi mạnh mẽ trong tín ngưỡng văn hóa. Khi văn hóa đi theo xu hướng [không còn tín Thần], thì chính trị cũng vậy. Vì vậy, đó cũng là vận mệnh của dân tộc.
Khi nền văn hóa của Hoa Kỳ đan xen với chủ nghĩa vô thần hoặc không tin [Thần], thì giới chính trị sẽ phản ánh một nhà cầm quyền không lãnh đạo [đất nước] bằng sự tôn trọng và phụ thuộc vào Đấng Sáng thế với quyền lực cao hơn. Họ sẽ lãnh đạo [đất nước] bằng trí tuệ trí óc và những ý tưởng bất chợt từ trái tim của họ. Điều đó có nghĩa là những giá trị phổ quát sẽ không tồn tại, các tiêu chuẩn thay đổi như cát bay trong gió và cuối cùng, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Bất cứ điều gì – như thuyết sa-tăng có thể xuất hiện .
Bất cứ điều gì – như cái ác có thể sản sinh.
Bất cứ điều gì – chẳng hạn như bình thường hóa cái ác đến mức Sa-tăng trở nên không gì khác hơn là biểu tượng trên một đôi giày, được những người hâm mộ nhạc rap và những người trẻ tuổi thèm muốn”.
Bà kết luận, hãy coi những đôi giày này như một dấu hiệu về tâm hồn bệnh tật của nước Mỹ. Trong những thời điểm mà đạo đức cao thượng hơn, đơn giản là những chuyện như vậy sẽ không xảy ra.
Tác giả Cheryl Chumley là biên tập viên của tờ The Washington Times, tác giả của cuốn “Ác quỷ ở DC: Giành lại đất nước từ quái vật Washington” và cuốn “Cảnh sát Bang nước Mỹ: Cơn ác mộng của Orwell trở thành hiện thực của chúng ta như thế nào”.