Như phân tích của các chuyên gia, việc sửa đổi luật gần đây của Trung Quốc là để phục vụ việc đưa người đã được nhắm tới lên chức Thủ tướng, thì ông Tập một lần nữa chứng minh tư duy của các quan chức chính quyền Trung Quốc: Lập pháp dựa trên nhu cầu, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.
Đầu tháng này, chính quyền Trung Quốc đã sửa đổi Luật Tổ chức Đại hội Nhân dân Toàn quốc, gây ra nhiều suy đoán khác nhau. Gần đây, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, động thái này cho thấy ông Tập Cận Bình đã chỉ định người kế nhiệm Lý Khắc Cường và người này có thể không phải phó thủ tướng hiện tại, theo SOH ngày 24/3.
Tập Cận Bình đã mở đường cho việc tái đắc cử của mình bằng cách sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ Thủ tướng Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Lý Khắc Cường, khi mà Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ ngày càng đến gần, chuyên gia phân tích Dương Chính của SOH nhận định.
Luật Tổ chức của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, vừa được sửa đổi vào ngày 11 tháng này, mở rộng quyền lực của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc trong việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước. Kể cả trong thời gian Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc bị hoãn, Ủy ban thường vụ Đại hội có thể quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó Thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ của Hội đồng Nhà nước.
Tiểu Dân, người chủ trì chương trình bình luận thời sự “Tiểu Dân Chi Tâm”, tin rằng việc ông Tập Cận Bình đã vội vàng thông qua đạo luật này cho thấy ông ta đang cân nhắc việc bố trí nhân sự của Quốc vụ Viện. Nhìn lại Thủ tướng Quốc vụ viện trước đây của ĐCSTQ, tất cả đều đã từng làm phó thủ tướng không có ngoại lệ. Ý nghĩa của việc Tập Cận Bình chuẩn bị bổ nhiệm phó thủ tướng giữa chừng, có thể là đã định sẵn nhân sự làm thủ tướng kế tiếp. Điều này cũng có nghĩa là thủ tướng ưa thích của ông Tập Cận Bình không phải là phó Thủ tướng Quốc vụ viện hiện tại.
Nói cách khác, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa hiện tại, người từng là một trong những người kế nhiệm nội bộ ĐCSTQ, có thể không phải là thủ tướng mà Tập Cận Bình ưa thích.
Phân tích chỉ ra rằng tiêu chí chọn người của Tập Cận Bình luôn là lòng trung thành trước tiên và năng lực chỉ là thứ hai. Có thể tưởng tượng rằng ông sẽ chọn một người mà ông ấy tin tưởng làm thủ tướng, và Hồ Xuân Hoa, với tư cách là người kế nhiệm nội bộ của Hồ Cẩm Đào – là thân phận “thái tử bị phế truất”, về mặt chính trị là mối đe dọa đối với Tập Cận Bình, không thể nào Tập Cận Bình không đề phòng.
Mặc dù Hồ Xuân Hoa đã thất thủ sau khi Tôn Chánh Tài, người đã được chỉ định làm người kế nhiệm cùng với ông ngã ngựa, và thậm chí có thông tin cho rằng ông đã chủ động báo cáo với Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, rằng ông “kiên quyết” và bày tỏ sự ủng hộ vững chắc để Tư tưởng Tập Cận Bình đi vào Đảng Chương và dường như không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Tập Cận Bình. Nhưng Tiểu Dân chỉ ra rằng Thủ tướng kiểm soát một hệ thống chính phủ khổng lồ.
“Tính độc lập tương đối của hệ thống này không thể cải biến được. Bất kỳ ai được đặt vào vị trí thủ tướng sẽ trở nên rất quan trọng. Ảnh hưởng của nó so với các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ là không thể so sánh được”, Tiểu Dân cho biết. “Ở một vị trí quan trọng như vậy, làm sao Tập Cận Bình có thể bố trí người mà mình không thể tin tưởng được? Tập Cận Bình cần một thủ tướng thực sự làm việc cho mình, chứ không phải một thủ tướng mà ông ta cần phải kiểm soát. Đối với Tập Cận Bình mà nói, những người bạn nối khố có thể dễ dàng thao túng hơn Hồ Xuân Hoa”.
Tiểu Dân tin rằng Tập Cận Bình đã quyết định ứng cử viên thủ tướng và sẽ bổ nhiệm người này làm phó thủ tướng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, và sẽ chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào năm sau.
Nhà bình luận vấn đề thời sự Văn Triệu cũng phân tích và chỉ ra rằng, việc sửa đổi Luật tổ chức nhân sự nên được xem xét trong bối cảnh hình thành người kế nhiệm của ĐCSTQ, và Tập Cận Bình đã có những ý tưởng cụ thể, nếu không ông ấy sẽ không sửa đổi Luật tổ chức nhân sự vào lúc này, bởi vì ĐCSTQ luôn lập pháp dựa trên nhu cầu (nghĩa là sẵn sàng sửa đổi luật khi cần phục vụ tính toán của mình).
Văn Triệu tin rằng từ nay đến Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm 2022, các ứng cử viên cho cấp phó thủ tướng có thể sẽ thay đổi. Trong số 4 phó thủ tướng hiện tại, Hàn Chính là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, còn Lưu Hạc là người của Tập Cận Bình nên sẽ không bị thay đổi trong nhiệm kỳ nên người có thể thay đổi sẽ là Tôn Xuân Lan và Hồ Xuân Hoa.
Văn Triệu cũng tin rằng Hồ Xuân Hoa không nằm trong số những người kế vị.
Đài Á Châu Tự Do hôm 22 phân tích rằng nếu ông Tập Cận Bình không có khuynh hướng chọn thủ tướng tiếp theo trong số các phó thủ tướng đương nhiệm, thì Trần Mẫn Nhĩ, Lý Cường, Lý Hy và Lý Hồng Trung đều là những ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm Lý Khắc Cường. Trong số bốn người, có khả năng cao nhất là Lý Cường, người có tuổi đời và kinh nghiệm quản lý địa phương. Đặc biệt, Lý Cường đã được thăng chức khi ông Tập Cận Bình còn là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Bài báo cho rằng dù Lý Cường và Trần Mẫn Nhĩ có được thăng chức vào Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 hay không, dù họ có nhậm chức thủ tướng hay không, thì rất có thể họ sẽ được thăng chức trong Ban Thường vụ ĐCSTQ. Đồng thời, Đinh Tiết Tường, một trong những người bạn thân thiết nhất của ông Tập, “gần như có khả năng trở thành thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vì Tập Cận Bình có khả năng được bầu lại làm Tổng bí thư lần thứ ba”.