Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Bị phương Tây trừng phạt vì đàn áp Tân Cương, Trung Quốc tung đòn trả đũa EU

Ngày 22/3, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã ban hành lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây là động thái phối hợp của các nước phương Tây, nhằm chống lại Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã lập tức đáp trả bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt EU trên quy mô rộng hơn, bao gồm đối với các nhà lập pháp, nhà ngoại giao, các học viện và gia đình châu Âu, đồng thời cấm các doanh nghiệp của họ buôn bán với Trung Quốc.

Các chính phủ phương Tây đang tìm cách gây sức ép, khiến Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước hành vi giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ tại phía Tây Bắc Trung Quốc. Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng tại khu vực này.

Phủ nhận mọi cáo buộc

Hoa Kỳ đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, hợp tác với các quốc gia liên minh nhằm đối đầu với Trung Quốc, và nỗ lực phối hợp dường như đã sớm đạt được kết quả. Các quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ cho biết, hàng ngày họ đều liên lạc với các chính phủ ở Châu Âu về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Trong tuyên bố trước khi diễn ra cuộc họp với các bộ trưởng EU và NATO tại Brussels cuối tháng 3/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Trong bối cảnh dư luận quốc tế ngày càng lên án, Trung Quốc vẫn tiếp tục phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương”. 

Bộ Ngoại giao Canada cũng nhận định: “Việc đưa ra bằng chứng sẽ giúp vạch trần những vi phạm nhân quyền có hệ thống, do nhà nước dẫn dắt của giới chức trách Trung Quốc”.

Các nhà hoạt động và các chuyên gia về quyền lợi của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc, Trung Quốc đã thực hiện các hành vi tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản. Tuy nhiên phía Trung Quốc lại cho biết, các trại cải tạo của họ cung cấp đào tạo nghề, và cần thiết trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Ngày 22/3, Liên minh châu Âu là tổ chức đầu tiên ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc, bao gồm một giám đốc an ninh hàng đầu và một tổ chức. Hai quốc gia Anh và Canada sau đó cũng đã hành động tương tự.

Những quan chức khác cũng bị Hoa Kỳ ban lệnh trừng phạt là Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Giám đốc Sở Công an Tân Cương, và Vương Quân Chính (Wang Junzheng), một quan chức cấp cao khác trong khu vực.

Năm 2020, Hoa Kỳ đã chỉ định trừng phạt quan chức hàng đầu ở Tân Cương – Trần Toàn Quốc. Nhưng vị quan chức này không bị các nước đồng minh phương Tây khác ban lệnh trừng phạt. Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho biết, điều này nhằm tránh một tranh chấp ngoại giao lớn hơn xảy ra.

Bộ trưởng Ngoại giao của Canada và Anh đã đưa ra một tuyên bố chung với ông Blinken, tuyên bố cả ba nước đã thống nhất yêu cầu Bắc Kinh cần chấm dứt “các hành vi đàn áp” tại Tân Cương.

Họ khẳng định, bằng chứng về các hành vi đàn áp vô cùng “khủng khiếp”, thu thập được từ hình ảnh vệ tinh, lời khai của nhân chứng và các tài liệu rò rỉ của chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, các bộ trưởng ngoại giao của Úc và New Zealand cũng đưa ra một tuyên bố, bày tỏ “quan ngại sâu sắc khi ngày càng có nhiều báo cáo đáng tin cậy, về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ, và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác tại khu vực Tân Cương”, đồng thời ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Canada, Liên minh Châu Âu, Anh và Hoa Kỳ ban hành.

Lệnh trừng phạt hàng loạt đầu tiên của khối EU trong nhiều thập kỷ

Động thái của Mỹ và các đồng minh diễn ra sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc vào trung tuần tháng 3/2021, làm dấy lên căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

EU cáo buộc Trần Toàn Quốc đã “giam giữ tùy tiện, và đối xử tệ bạc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, cũng như những hành vi vi phạm có hệ thống, đối với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”.

Những quan chức khác đối diện với lệnh cấm đi lại và bị đóng băng tài sản gồm: Vương Kỳ Sơn – quan chức cấp cao Trung Quốc, Chu Hải Luân – cựu phó bí thư thành ủy Tân Cương, và Cục Công an Binh đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương.

Phía EU từ trước đến nay thường tránh đối đầu với chính quyền Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt được ban hành ngày 22/3 là động thái quan trọng đầu tiên, được họ đưa ra kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, dù trước đó Brussels cũng từng ban hành lệnh trừng phạt mạng quy mô rộng lớn hơn, nhắm vào hai hacker máy tính và một công ty công nghệ vào năm 2020.

Động thái của khối EU đã được chính quyền Mỹ khen ngợi. Ngoại trưởng Blinken khẳng định: “Một phản ứng hợp nhất xuyên lục địa, chính là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ tới những đối tượng vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền quốc tế”.

Tuy chủ yếu là mang tính biểu tượng, nhưng các lệnh trừng phạt từ EU chính là cột mốc đánh dấu sự cứng rắn của liên minh này đối với Trung Quốc. Brussels nhận định, từng coi Trung Quốc là một đối tác thương mại lành mạnh, nhưng quốc gia này hiện đang là đối tượng lạm dụng các quyền lợi và sự tự do một cách có hệ thống.

Anh quốc cũng đã nhiều lần tố cáo, cho rằng các hành vi như tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản đang diễn ra trên “quy mô công nghiệp” tại Tân Cương. Ngày 22/3, nước này tiếp tục lặp lại lời chỉ trích đối với chính quyền Bắc Kinh.

Toàn bộ 27 chính phủ thuộc khối EU đều đồng ý với các biện pháp trừng phạt của khối, nhưng ngoại trưởng Hungary – Peter Szijjarto lại cho rằng động thái này “có hại” và “vô nghĩa”.

Bắc Kinh trả đũa

Sau lệnh trừng phạt, Bắc Kinh đã có động thái trả đũa diễn ra nhanh chóng, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp châu Âu; Ủy ban Chính trị và An ninh, một cơ quan ra quyết định chính sách đối ngoại chính của khối EU; cùng hai học viện.

Reinhard Butikofer – một chính trị gia người Đức, người chủ trì phái đoàn của Nghị viện châu Âu tới Trung Quốc, là một trong những nhân vật nhất phải đối diện với lệnh trừng phạt. Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Liên minh các nền dân chủ, một tổ chức phi lợi nhuận do cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thành lập, cũng xuất hiện trong danh sách trừng phạt.

Ngoài ra còn có Adrian Zenz – một học giả người Đức. Nghiên cứu của ông từng được Bộ Ngoại giao trích dẫn vào năm 2020, nhằm nêu bật các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Hà Lan đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại đến thành phố Deen Haag, sau khi Bắc Kinh công bố các lệnh trừng phạt của họ đối với 10 người châu Âu. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu, cùng với ngoại trưởng các nước Đức, Hà Lan, Bỉ và các quốc gia khác, đều bác bỏ sự trả đũa từ phía Trung Quốc.

Nhà lập pháp Hà Lan là Sjoerd Sjoerdsma cũng xuất hiện trong danh sách trừng phạt của Trung Quốc, anh chia sẻ trên Twitter: “Những lệnh trừng phạt này tỏ cho thấy Trung Quốc đã không chịu được sức ép. Hãy coi điều này là một sự khích lệ cho tất cả các đồng nghiệp châu Âu của tôi: Hãy lên tiếng!”

Những đối tượng chịu lệnh trừng phạt từ Trung Quốc sẽ bị hạn chế nhập cảnh, hoặc làm ăn với Trung Quốc.

Related posts

Tiểu bang nơi ông Trump ở ra dự luật chống lại việc đánh cắp nghiên cứu của Trung Quốc

Người phụ nữ sống sót ở Tân Cương: ‘Linh hồn của chúng tôi đã chết’

Tin Tức Đa Chiều

Trung Quốc xỏ mũi Mỹ theo cách không ngờ: Washington tỉnh mộng sau quãng ‘ngây thơ’

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment