Knack, tạp chí có sức ảnh hưởng nhất ở Vùng Flemish của Bỉ với gần nửa triệu độc giả, đã đăng một bài viết về các cuộc triển lãm cơ thể người và mối liên hệ giữa chúng với các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Bài báo này là của nhà báo Trui Engels và dựa trên thông tin từ Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), trong đó giải thích rằng các thi thể bị nhựa hóa và được trưng bày tại The Antwerps Sportpaleis là thi thể của những người từng bị giam giữ, tra tấn và sát hại ở Trung Quốc.
Bà Elke Van den Brande, Giám đốc Quốc gia của ETAC tại Benelux (Bỉ, Hà Lan, và Luxembourg), cho biết bất kỳ cuộc triển lãm có đạo đức và trách nhiệm nào cũng phải tiết lộ danh tính xác thực của các thi thể và nguyên nhân cái chết của họ. Bà cũng cho biết, nhà tổ chức cuộc triển lãm thi thể nói trên đã thừa nhận rằng đây là những thi thể vô thừa nhận từ Trung Quốc và họ không có giấy tờ theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Bằng chứng chỉ ra rằng những thi thể được nhựa hóa này không phải là từ các nguồn hiến tặng hoặc vô thừa nhận. Trên thực tế, ETAC tin rằng chúng đến từ các tù nhân lương tâm trong các nhà tù và trại lao động gần công ty nhựa hóa ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Công ty này được thành lập vào đúng năm Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch bức hại trên toàn quốc đối với Pháp Luân Công, môn tu luyện thiền định với khoảng 100 triệu học viên.
Trong hai thập kỷ qua, đã có một số lượng lớn các học viên bị giam giữ, tra tấn hoặc thậm chí bị giết hại vì kiên định đức tin của họ đối với Pháp Luân Công, trong thời gian đó ngành công nghiệp nhựa hóa cơ thể ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và số lượng các ca cấy ghép nội tạng tăng theo cấp số nhân. Bà Van den Brande cho biết thời điểm thành lập công ty nhựa hóa Đại Liên cho thấy các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu chính kể từ khi bắt đầu cuộc bức hại và hầu hết các thi thể được trưng bày là của các học viên Pháp Luân Công.
Theo bà Van den Brande, ngành công nghiệp nhựa hóa ở Trung Quốc đã có khoảng 20 năm lịch sử. Đại Liên là một trung tâm lớn về cấy ghép nội tạng, nhựa hóa thi thể, và bức hại Pháp Luân Công.
Năm 2008, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang New York đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các nhà triển lãm thi thể treo một tấm biển ở lối vào để thông báo rằng họ không thể xác minh liệu những thi thể này có phải từ các nhà tù Trung Quốc hay không. Vì lý do đạo đức, bà Van den Brande cũng khuyến nghị lệnh cấm nhập khẩu các thi thể đã nhựa hóa từ các quốc gia có án tử hình, bao gồm cả Trung Quốc. Một số chính phủ đã thực thi sắc lệnh tương tự bao gồm Pháp, Cộng hòa Séc, Israel, Hawaii và các bang khác của Hoa Kỳ.
Bà Van den Brande bác bỏ tuyên bố của một số người rằng một cuộc triển lãm như vậy mang lại lợi ích giáo dục hoặc những thi thể này phải được “tôn trọng”. Bà cho biết cơ thể của một người bị sát hại không bao giờ có thể được trưng bày bằng sự tôn trọng và chúng chỉ có ý nghĩa cho mục đích giáo dục khi không liên quan đến bất kỳ tội ác nào.
ĐCSTQ đã bị cáo buộc giết hại các tù nhân lương tâm trong mấy thập kỷ qua. Dữ liệu cho thấy sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, khoảng 500.000 đến một triệu học viên đã bị giam giữ từ năm 2000 đến năm 2001.
Bà Van den Brande cho biết cảnh sát đã vào cuộc. Một email mà bà nhận được cho biết có hai thi thể mới hảo hạng vừa được đưa đến công ty nhựa hóa Đại Liên, trong khi gan của họ vừa bị lấy đi vài giờ trước đó. Triển lãm thi thể người bao gồm cả những thi thể bị thiếu gan hay thận.
Năm 2015, ĐCSTQ tuyên bố rằng Đảng sẽ ngừng sử dụng nội tạng từ các tù nhân và đã công bố dữ liệu cho thấy nội tạng đến từ những người hiến tặng “tự nguyện”, nhưng phân tích cho thấy những con số đó đã bị làm giả và ĐCSTQ đã nói dối cộng đồng quốc tế.
Năm 2006, sau khi bản cáo cáo đầu tiên về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm được công bố, các nhà điều tra đã liên hệ với các bệnh viện tại Trung Quốc. Các bác sỹ từ nhiều bệnh viện đã thừa nhận rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị sử dụng làm nguồn cung nội tạng. Sau đó, các cuộc điều tra vào năm 2018 và 2019 cho thấy nội tạng luôn sẵn có và được lấy từ những người trưởng thành trẻ tuổi.
Năm 2017, một bác sỹ tại Bệnh viện Yuhuangding ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông cho biết ông đã bỏ qua hệ thống phân phối nội tạng chính thức để lấy nội tạng và bản thân ông cũng đã thực hiện hàng trăm ca cấy ghép tạng.
Năm 2019, một tòa án độc lập ở London đã phát hiện rằng hoạt động cưỡng bức nội tạng đã xảy ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và các học viên Pháp Luân Công có khả năng là nguồn cung chính cho những nội tạng này.