Vision Times đưa tin, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đồng ý tạm thời đình chỉ tất cả các mức thuế áp đặt lẫn nhau trong thời gian qua, phát sinh từ cuộc canh tranh giữa hai hãng máy bay Boeing và Airbus. Việc đình chỉ sẽ có hiệu lực trong bốn tháng.
Thỏa thuận “đình chiến” này sẽ mang lại khoản lợi nhuận trị giá 4 tỷ USD cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang EU, bao gồm thuốc lá, máy kéo, rượu vodka, rượu rum, máy bay. Ở chiều ngược lại, EU sẽ thu được khoản lợi nhuận 7,5 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ các mặt hàng gồm máy bay, rượu vang và pho mát.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Boeing của Mỹ và Airbus của EU đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, căng thẳng gia tăng dữ dội dưới thời chính quyền Trump.
Vào tháng 10/2019, WTO cho phép Washington áp thuế lên hàng nhập khẩu từ châu Âu với giới hạn cho phép là 7,5 tỷ USD vì sự hỗ trợ mà EU mở rộng cho Airbus. Một năm sau, vào tháng 10/2020, WTO cho phép EU áp mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trên gói 4 tỷ USD vì chính phủ Mỹ trợ cấp cho Boeing.
Việc tạm dừng thuế quan sẽ được kích hoạt ngay sau khi các thủ tục nội bộ giữa hai bên được hoàn tất. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng bà đã nói chuyện với Tổng thống Biden qua điện thoại về vấn đề này trước khi quyết định đình chỉ thuế quan.
Toà Bạch Ốc tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chống COVID-19, biến đổi khí hậu, cải thiện nền kinh tế, tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương và một loạt các vấn đề khác trong cuộc điện đàm.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại Valdis Dombrovskis tuyên bố rằng thỏa thuận của hai cường quốc đánh dấu sự thiết lập lại mối quan hệ.
“Việc xoá bỏ các loại thuế quan này là đôi bên cùng có lợi, vào thời điểm đại dịch đang gây tổn hại cho người lao động và nền kinh tế của chúng ta. Việc tạm ngưng này sẽ giúp khôi phục niềm tin và sự tin cậy, và do đó cho chúng tôi không gian để đi đến một giải pháp thương lượng toàn diện và lâu dài. Một mối quan hệ thương mại tích cực giữa EU và Hoa Kỳ là quan trọng không chỉ đối với hai bên mà còn đối với thương mại toàn cầu nói chung”, ông Dombrovskis nói trong một tuyên bố .
Việc tạm dừng thuế quan được xem như một sự cứu trợ cho Airbus và Boeing, những công ty đang phải vật lộn khi các lệnh phong tỏa đi lại gây thiệt hại lớn cho họ. Airbus hoan nghênh quyết định này và kêu gọi dàn xếp lâu dài để tránh thiệt hại cho cả hai bên.
Katherine Tai, người được bổ nhiệm làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng bà mong muốn giải quyết vĩnh viễn cuộc xung đột máy bay của hai siêu cường.
Tình trạng của Airbus và Boeing
Đại dịch đã làm giảm tốc độ sản xuất của cả hai nhà sản xuất máy bay. Hai công ty cũng bị ảnh hưởng nghiệm trọng do việc hủy bỏ các đơn đặt hàng trước đó. Khi nhìn từ khía cạnh giao hàng, năm 2020 là một thảm họa đối với cả hai công ty.
Đây là một số liệu thiết yếu vì các công ty chỉ nhận được doanh thu từ những chiếc máy bay do họ sản xuất khi giao hàng. Giao hàng thấp hơn có nghĩa là các công ty máy bay nhận được doanh thu thấp hơn.
Năm ngoái, Airbus giao ít máy bay hơn so với năm 2012 cho khách hàng. Đối với Boeing, con số giao hàng thậm chí còn tệ hơn, rơi vào mức giữa những năm 70. Khi nói đến việc đơn đặt hàng bị hủy, Boeing có nhiều đơn hàng bị huỷ hơn là các đơn đặt hàng mới. Năm ngoái, không có tháng nào mà số lượng đơn đặt hàng mới của Boeing vượt quá số lần hủy. Airbus cũng không bán được tốt và phải đối mặt với tình trạng hủy đơn lớn.
Tuy nhiên Airbus được cho là đã gặp may, mẫu A321XLR của hãng dự kiến ra mắt vào năm 2023 đang chứng tỏ sức hút đối với khách hàng, thậm chí ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng của các máy bay lớn hơn. Về phía Boeing, hiện tại, hãng dường như vẫn chưa có sản phẩm cạnh tranh với mẫu máy bay mới của Airbus.
https://www.dkn.tv/