Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Hủy visa Mỹ 10 năm của công dân Trung Quốc? Tại sao giáo dục Mỹ và Trung Quốc nên tách rời

Theo Epoch Times, ngày 17/2, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton đã đưa ra một báo cáo nói rằng Hoa Kỳ nên thực hiện kế hoạch tách rời nền giáo dục khỏi ĐCSTQ, bảo vệ các trường đại học và phòng thí nghiệm của Mỹ, áp đặt lệnh phong tỏa kỹ thuật đối với ĐCSTQ, chấm dứt chương trình thị thực 10 năm cho công dân Trung Quốc.

Báo cáo dài 84 trang này có tiêu đề “Beat China: Targeted Decoupling and Economic Long War” (Tạm dịch: Đánh bại Trung Quốc: Tách rời mục tiêu và chiến tranh kinh tế dài hạn). Báo cáo này được hãng truyền thông Mỹ Vox gọi là “chiến lược chi tiết nhất về cạnh tranh lâu dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”. “Phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng của hai bên về mối quan hệ kinh tế trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và thực tế là quan điểm từ Washington đã được viết thành lời, tức là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trò chơi có tổng bằng không”.

Vào ngày 25/2, năm thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa, trong đó có TNS Cotton đã chính thức đề xuất kiến ​​nghị bãi bỏ thị thực nhập cảnh nhiều lần, có giá trị 10 năm cho công dân Trung Quốc và quay trở lại thị thực nhiều lần thời hạn một năm trước năm 2014. Điều này nhằm gây áp lực với ĐCSTQ để cải thiện nhân quyền ở Trung Quốc.

TNS Cotton từng là chủ tịch Tiểu ban Chính sách Kinh tế của Quốc hội và là người nắm rõ những thông tin nhạy cảm nhất trong mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung. TNS Cotton nói trong lời tựa của báo cáo: Sự hội nhập kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt xa mối quan hệ kinh tế giữa thế giới tự do và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, và ĐCSTQ hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ này và sự tự do của Hoa Kỳ để thay thế Hoa Kỳ và định hình lại trật tự toàn cầu phù hợp với ý thức hệ xấu xí của chính nó mà không cần một cuộc chiến quy mô lớn. Nhiều thập kỷ sau, khi người Mỹ thức tỉnh và nhận thấy rằng Hoa Kỳ đã trở nên nghèo hơn, yếu hơn và thiệt thòi hơn, thì đã quá muộn.

Báo cáo cho biết, “So với cái giá phải trả của sự thụ động, cái giá phải trả cho việc tách rời có định hướng khỏi Trung Quốc là không đáng kể, chúng ta không thể chỉ nhìn Hoa Kỳ ngày càng suy yếu và từ bỏ vị thế của mình cho một quốc gia độc tài muốn khiến thế giới quy phục. Người Mỹ phải hành động dứt khoát để tránh số phận này”.

Báo cáo được chia thành bốn phần: Một là hiện trạng của quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, phần còn lại là tách rời khỏi nền kinh tế mục tiêu của Trung Quốc, phần ba là làm thế nào để giảm chi phí phân tách và phần thứ tư là vai trò của chính phủ liên bang.

Công nghệ của Hoa Kỳ giúp ĐCSTQ phát triển quân đội

Theo báo cáo, các trường đại học và phòng thí nghiệm của Mỹ là nạn nhân của các hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ có hệ thống của ĐCSTQ. Trong 10 năm qua, ĐCSTQ đã hỗ trợ các công ty Trung Quốc sử dụng công nghệ bị đánh cắp để sản xuất hàng nhái với mức giá thành rẻ hơn rất nhiều, gây ra tổn thất lớn cho các công ty của Mỹ. Vô tình, Hoa Kỳ đã giúp ĐCSTQ xây dựng sức mạnh quân sự lớn thứ hai thế giới.

Từ năm 2018 đến năm 2019, có khoảng 370.000 sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ, trong khi 10 năm trước con số này chưa đến 100.000 sinh viên, gần một nửa trong số họ theo học các khóa học STEM (Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật), nhiều nhất trong số tất cả các quốc gia có du học sinh theo học tại Hoa Kỳ. Các khóa học này có ý nghĩa to lớn đối với sự tiến bộ công nghệ và quân sự của bất kỳ quốc gia nào.

Các trường đại học Mỹ cũng đã đào tạo một số nhân tài hàng đầu cho quân đội Trung Quốc. Một báo cáo cho thấy trong 10 năm qua, quân đội Trung Quốc đã tài trợ cho hơn 2.500 nhà khoa học và kỹ sư đi học ở nước ngoài, và ước tính khoảng 500 người trong số họ đang tiến hành nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

ĐCSTQ đã thiết lập hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài, cung cấp các ưu đãi như tiền lương, tài trợ nghiên cứu, và các phòng thí nghiệm để thu hút các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ chuyển giao kết quả nghiên cứu của họ.

Ví dụ, Charles Lieber, trưởng khoa Hóa học tại Đại học Harvard và là người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ nano, đã ký hợp đồng trở thành “nhà khoa học chiến lược” tại Đại học Công nghệ Vũ Hán ở Trung Quốc. ĐCSTQ cung cấp cho Lieber khoản trợ cấp 50.000 đô-la Mỹ một tháng, trợ cấp hàng năm là 150.000 đô-la Mỹ và cung cấp cho ông ta một phòng thí nghiệm trị giá hơn 1,5 triệu đô-la Mỹ ở Vũ Hán.

Vào tháng 7/2020, FBI thông báo rằng họ đang điều tra gần 2.500 trường hợp gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ, chiếm khoảng một nửa số trường hợp phản gián của FBI. Nhưng giới học thuật Hoa Kỳ về cơ bản đã làm ngơ trước điều này.

Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào giáo dục đại học Mỹ hầu như không gặp phải sự phản kháng từ các trường đại học Mỹ, vốn có nguồn thu chính là học phí của sinh viên quốc tế. Lấy ví dụ, trường hợp gần đây của Đại học Boston: Một sĩ quan quân đội Trung Quốc được ĐCSTQ đưa vào phòng thí nghiệm của trường để tiến hành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tiên tiến cùng với một nhà vật lý nổi tiếng. Khi âm mưu bị vạch trần vào tháng 1/2020, nhà vật lý nói rằng ông “không quan tâm đến chính trị… Nếu mọi người ở bất cứ đâu trên thế giới muốn tham gia nhóm của tôi và họ có tiền để đến, tại sao tôi lại nói không?” Trong phòng thí nghiệm của nhà vật lý này, có hơn 200 đối tác nghiên cứu và các học giả đến thăm, và 75 người trong số họ đến từ Trung Quốc.

Những trường hợp này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tiền đen của ĐCSTQ đã thâm nhập vào giáo dục đại học Mỹ. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra đối với Đại học Harvard và Đại học Yale vào tháng 2/2020 và phát hiện ra rằng có các quỹ tài trợ nước ngoài không được báo cáo, bao gồm cả những quỹ từ Trung Quốc, với trị giá lên đến ít nhất là 6,5 tỷ đô-la Mỹ.

Hạn chế học sinh Trung Quốc học STEM, hủy visa 10 năm

Báo cáo của TNS Cotton nói rằng các cơ quan nghiên cứu của Mỹ đã quen với các hoạt động gián điệp có trật tự của ĐCSTQ. Tình hình này cần phải được thay đổi. Hoa Kỳ nên bảo vệ các trường đại học và phòng thí nghiệm, thực hiện các phong tỏa công nghệ đối với ĐCSTQ, chấm dứt hành vi trộm cắp tự do của ĐCSTQ và buộc ĐCSTQ phải chi một số tiền khổng lồ cho nghiên cứu khoa học cơ bản và đưa ra những lựa chọn khó khăn về phân bổ nguồn lực để theo kịp nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ nên cấm ĐCSTQ cung cấp tiền cho các trường đại học, phòng thí nghiệm và các tổ chức nghiên cứu khác của Hoa Kỳ, bất kể nguồn tiền đó đến từ chính phủ ĐCSTQ hay một tổ chức tư nhân hoạt động thay mặt cho chính phủ ĐCSTQ. Chính phủ Hoa Kỳ nên tuân theo các yêu cầu của Đạo luật Giáo dục Đại học (Higher Education Act) và có những hành động tích cực để chống lại những trường đại học không chịu tiết lộ các giao dịch tài chính với ĐCSTQ trong 20 năm qua.

Hoa Kỳ cũng nên hạn chế giảng viên và nhân viên của trường đại học nhận thù lao từ Trung Quốc, cho dù dưới hình thức tiền lương, trợ cấp, thành lập phòng thí nghiệm, trợ cấp đi lại hay dưới hình thức thù lao. Quá nhiều nhà nghiên cứu Mỹ, bao gồm các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực tương ứng của họ, đã bị mê hoặc trước những phần thưởng khổng lồ từ chương trình tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ.

Hoa Kỳ nên hủy bỏ việc chấp nhận tài trợ của liên bang cho các học giả từ chương trình tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ và yêu cầu họ đăng ký theo Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA). Ngoài ra, chính phủ nên yêu cầu các trường đại học được liên bang tài trợ hứa không thuê giảng viên do ĐCSTQ tài trợ. Những biện pháp này sẽ ngăn chặn nhiều nhà nghiên cứu Mỹ hơn bị ĐCSTQ mua chuộc.

Hoa Kỳ cũng cần chấm dứt các trường đại học và cơ sở nghiên cứu thành lập các chi nhánh ở Trung Quốc đại lục. Vì trên đất Trung Quốc, không có gì là bí mật. Hoa Kỳ cũng nên chấm dứt việc đánh giá ngang hàng đối với nghiên cứu do liên bang tài trợ do công dân Trung Quốc thực hiện, đây là một phương pháp khác mà các nhà nghiên cứu ĐCSTQ đánh cắp tài sản của Hoa Kỳ.

Nhiều sinh viên STEM của Trung Quốc không phải là gián điệp của Trung Quốc. Nhưng thường không thể phân biệt được đâu là học sinh thật sự và đâu là gián điệp. Ngay cả khi các cơ quan phản gián và thực thi pháp luật của Mỹ có thể bắt và truy tố các gián điệp Trung Quốc, thì mọi chuyện thường đã quá muộn. Bản án khắc nghiệt sẽ không khiến ĐCSTQ trả lại tài sản trí tuệ bị đánh cắp, cũng như không ngăn cản việc tuyển dụng điệp viên mới.

Hành động trước để ngăn chặn ĐCSTQ hoạt động gián điệp trong các trường đại học Mỹ

Việc ngăn chặn các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ trong các trường đại học Mỹ đòi hỏi phải có các cuộc tấn công phủ đầu. Hoa Kỳ phải cấm sinh viên đại học và nghiên cứu sinh Trung Quốc nghiên cứu hoặc tham gia vào nghiên cứu STEM liên quan đến các công nghệ nhạy cảm. Chính phủ cũng nên kiểm tra chặt chẽ bất kỳ sinh viên chưa tốt nghiệp nào của Trung Quốc tham gia vào các nghiên cứu tiên tiến tương tự.

Để thực hiện thành công các chính sách này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải mở rộng việc xét duyệt thị thực cho công dân Trung Quốc, dự án này được gọi là “Visa Mantis”. Quốc hội phải bảo đảm rằng các quan chức đại sứ quán có quyền hạn pháp lý cần thiết để từ chối những người nộp đơn gây nguy cơ cao đối với an ninh quốc gia hoặc thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ. Tương tự như vậy, Bộ An ninh Nội địa nên yêu cầu các trường cao đẳng và đại học tìm kiếm chứng nhận từ Bộ An ninh Nội địa, khi tiếp nhận sinh viên nước ngoài, xác nhận rằng họ sẽ tuân thủ các quy tắc này trong quá trình tuyển sinh.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng nên chấm dứt chương trình thị thực nhập cảnh 10 năm cho công dân Trung Quốc. Ông Obama đã đưa ra kế hoạch này vào năm 2014 bất chấp sự phản đối của các quan chức tình báo Hoa Kỳ, điều này đã khiến các nhân viên tình báo của ĐCSTQ và những kẻ trộm tài sản trí tuệ có thể ra vào Hoa Kỳ theo ý muốn.

Hoa Kỳ nên cho phép công dân Trung Quốc nghiên cứu các ngành khoa học nhân văn không thuộc STEM, những điều này có thể nuôi dưỡng một luồng quan điểm nhận thức khác và làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ của họ về tính cai trị của ĐCSTQ. Chính phủ Hoa Kỳ nên bảo đảm rằng tất cả sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ không bị đe dọa và giám sát bởi ĐCSTQ.

Nhiều trường đại học sẽ phản đối chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các hành động cần thiết vì thứ văn hóa đúng đắn chính trị trong khuôn viên trường. Sẽ có những trường đại học sẽ lấy lý do kinh tế để nói rằng họ dựa vào nguồn thu từ học phí của sinh viên Trung Quốc và không sẵn lòng cung cấp cho chính phủ lịch sử các khoản giao dịch tài chính với ĐCSTQ. Một số trường thậm chí còn than vãn rằng hoặc toàn bộ khoa STEM nên đóng cửa vì thiếu sinh viên (khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp STEM ở Hoa Kỳ là công dân Trung Quốc), thiếu kinh phí hoặc không cho phép sinh viên Trung Quốc học STEM.

Nếu các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tình báo và các nhà hoạch định chính sách tiếp cận các cơ quan này với tư cách đối tác, giải thích cho họ về mối đe dọa nghiêm trọng của hoạt động gián điệp của ĐCSTQ và cố gắng giảm bớt lo ngại của họ, khi đó các tổ chức này có thể dễ dàng tiếp nhận các biện pháp bảo vệ hơn và sẵn sàng đưa ra các chính sách chịu hy sinh.

Cấm công dân Trung Quốc tham gia STEM trong các trường đại học Mỹ là hành động khó khăn. Nhưng chính phủ liên bang Hoa Kỳ nên ưu tiên cho các nhà nghiên cứu và công dân từ các nước đối tác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Israel, Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ, để giảm thiểu các tác dụng phụ.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Nhà virus học lừng danh báo động SARS-Cov-3, nhận định “lạnh người” về khu vực có Việt Nam

Tin Tức Đa Chiều

Ghép thành công thận heo cho người

Tin Tức Đa Chiều

Thượng viện thông qua dự luật yêu cầu chính quyền Biden giải mật thông tin về Phòng thí nghiệm Vũ Hán

Leave a Comment