Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

4 cái bẫy giăng sẵn: Tập Cận Bình đứng trước đại quan sinh tử

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20 sẽ được tổ chức vào năm tới, và liệu ông Tập Cận Bình có thể tái đắc cử lần ba này hay không đã trở thành đại quan sinh tử đối với bản thân ông, theo bài bình luận của ông Vương Hữu Quần đăng trên trang Epoch Times.

Hôm 22/1, ông Tập nói tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương rằng tham nhũng (hủ bại) là “nguy cơ lớn nhất” mà ĐCSTQ đang phải đối mặt; chống tham nhũng là một “cuộc đấu tranh chính trị chỉ có thể thắng chứ không thể thua”. Ngày 23/1, trang Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, trong một bài viết đã nói rõ: “Hủ bại chính trị là hủ bại lớn nhất. Một số phần tử hủ bại đã thành lập các nhóm lợi ích hòng đánh cắp quyền lực của đảng và nhà nước”.

Ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng vào đầu năm 2013. Đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào tháng 10/2017, ông Tập nói rằng “tính áp đảo của hình thế chống tham nhũng đã hình thành”. Ngày 13/12/2018, cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ tuyên bố rằng “cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được thắng lợi vượt trội”. Nếu đã như vậy, tại sao đến tháng 1/2021 ông Tập Cận Bình vẫn nói lại điều này? Tân Hoa Xã vẫn đang đàm luận về việc có kẻ muốn soán đảng đoạt quyền?

Bởi cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập phát động chưa bao giờ giành được “chiến thắng mang tính áp đảo” khi mà hai ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, hai người được xem là “ông trùm” đứng sau hậu trường của các phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất, cao tầng nhất trong các đảng phái, chính phủ, quân đội của ĐCSTQ vẫn đang ung dung ngoài vòng pháp luật. Chừng nào “cây đại thụ” của nạn tham nhũng chưa đổ, thì “bầy khỉ” vẫn chưa chịu tản đi.

“Chính phủ ngầm”, “Chính phủ bóng tối” hay “Đầm lầy Bắc Kinh” do hai ông Giang – Tăng đứng đầu đã trở thành “cơn ác mộng” lớn nhất của ông Tập. Cho đến nay, họ đã đào sẵn ít nhất 4 cái hố lớn chỉ chờ ông Tập nhảy vào.

Thứ nhất, dùng “chiêu” sùng bái cá nhân

Trước khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo đảng tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 vào năm 2012, ông vốn không có thành tích chính trị nào được xem là nổi bật, mà chỉ là một quan chức hết sức phổ thông. Thời điểm đó, có hai thế hệ đỏ thứ hai được lựa chọn: một là ông Bạc Hy Lai – con trai nguyên lão ĐCSTQ Bạc Nhất Ba, hai là ông Tập Cận Bình – con trai nguyên lão ĐCSTQ Tập Trọng Huân. Hai người này, kẻ trước thì hống hách ngang ngược, mưu mô thủ đoạn, lạnh lùng tàn nhẫn; người sau thì vẻ ngoài bình dị, thật thà chất phác, hành xử khiêm cung. Các nguyên lão của ĐCSTQ đã phải cân đo đong đếm rất lâu, cuối cùng quyết định chọn ông Tập làm người kế nhiệm.

Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông không muốn trở thành bù nhìn mặc cho phe cánh ông Giang Trạch Dân đè đầu cưỡi cổ giống như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, vậy nên ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” để đoạt lại quyền lực cao nhất từ tay hai ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Trong trận chiến này, “cất bước khó khăn” đến “hai quân giằng co đối đầu trong tình thế người tám lạng, kẻ nửa cân”, cuối cùng ông Tập đã thắng thế. Trong 5 năm, ông Tập đã điều tra và trừng phạt 440 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh (bộ) trở lên, và đã chĩa thẳng mũi giáo nhằm vào hai ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng thấy tình thế bất lợi liền lấy lùi làm tiến, họ đạt được thỏa hiệp với ông Tập trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19: Ông Giang ông Tăng thừa nhận vị trí lãnh đạo “hạt nhân” của ông Tập, còn ông Tập sẽ không bắt ông Giang ông Tăng phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng. Tuy nhiên, trong âm thầm, phe cánh ông Giang Trạch Dân đã bày binh bố trận cả trong lẫn ngoài, đào hố cho ông Tập ở khắp nơi. Một hố lớn trong đó chính là chỉ thị thân tín nắm giữ bộ máy tuyên truyền ca tụng công đức của ông Tập với tất cả công suất, khiến ông Tập vui sướng đến mụ mẫm cả đầu óc.

Trung Quốc từ xưa đã có câu “bổng sát” (giết chết người ta bằng những lời lẽ tâng bốc, tương tự câu “mật ngọt chết ruồi), trong quyển “Phong Tục Thông Nghi” do Thái thú quận Thái Sơn Ứng Thiệu thời Đông Hán biên soạn có trường hợp này. Khi ông Thái Nguyên Bồi từ chức hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh vào ngày 9/5/1919, ông đã dẫn dụng điển cố này nói rằng, kẻ giết chết con ngựa của anh chính là người đứng bên cạnh anh vỗ tay khen ngợi con ngựa của anh, và người khen anh cũng chính là người làm hại anh.

Người “bổng sát” ông Tập ban đầu là ông Lưu Vân Sơn – ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 kiểm soát bộ máy tuyên truyền và là thân tín của ông Giang Trạch Dân. Hiện tại ông Vương Hộ Ninh –  ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 nắm giữ bộ máy tuyên truyền và cũng là thành viên của phe cánh ông Giang Trạch Dân.

Thứ hai, sửa đổi Hiến pháp xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ của chủ tịch nước

Ngày 11/3/2018, phiên họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ đã thông qua việc bãi bỏ quy định “không được nhậm chức liên tục quá hai nhiệm kỳ” đối với Chủ tịch nước. Động thái này đã chấn động trong và ngoài nước, đến nay những lời lẽ chỉ trích vẫn chưa lắng xuống.

Ông Tập sở dĩ đồng ý với động thái này là vì ông chống tham nhũng đã đắc tội với quá nhiều người. Bản thân ông cũng lo lắng rằng một khi ông hết nhiệm kỳ sẽ có người tìm ông tính sổ. Ông cho rằng sau khi sửa đổi hiến pháp thì ông có thể nắm quyền cả đời, từ đó có thể đảm bảo an toàn cho ông và gia đình. Tuy nhiên, động thái này không có nhiều ý nghĩa thực tế ngoài việc chiêu mời vô số lời chỉ trích.

Thứ nhất, nó phá vỡ quy tắc “bãi bỏ nhiệm kỳ trọn đời đối với người lãnh đạo” do ông Đặng Tiểu Bình đặt ra. Hiến pháp năm 1982 của ĐCSTQ quy định chủ tịch nước “không được nhậm chức liên tục quá hai nhiệm kỳ”. Tính đến năm 2017, quy định này đã được thực thi trong 35 năm. Quy định này được coi là một thành tựu lớn của ông Đặng Tiểu Bình trong việc “bãi bỏ nhiệm kỳ trọn đời đối với người lãnh đạo”. Từ ông Đặng Tiểu Bình đến ông Giang Trạch Dân, rồi đến ông Hồ Cẩm Đào, ít nhất đã làm được điều không có nhậm chắc cả đời trên mặt hình thức.

Thứ hai, Hiến pháp của ĐCSTQ không có hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Vậy nên, ngay cả khi ông Tập không phải là chủ tịch nước, ông vẫn có thể là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, không cần thiết phải làm ra chính sách chủ tịch nước nắm quyền cả đời.

Thứ ba, Chủ tịch nước Trung Quốc có rất ít quyền lực thực tế, phần nhiều chỉ là một chức vụ mang tính nghi lễ. Năm đó, Lưu Thiếu Kỳ là Chủ tịch nước Trung Quốc, nhưng khi ông  Mao Trạch Đông muốn lật đổ ông ta, nói lật đổ là lật đổ. Năm đó, Lâm Bưu đề xuất muốn lập chủ tịch nước, nhưng ông Mao Trạch Đông đã dứt khoát không đồng ý. Sau khi Lâm Bưu rớt đài, đề xuất lập chủ tịch nước của ông đã trở thành một trong những bằng chứng tố cáo ông có mưu đồ “soán đảng đoạt quyển”. Đối với ĐCSTQ, chức chủ tịch nước kỳ thực có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Thứ tư, ĐCSTQ vững tin vào câu nói “thành lập chính quyền từ nòng súng”. Ai kiểm soát được quân đội, thì người đó mới là “anh cả” thực sự. Mùa xuân năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã đăng tải “Bài phát biểu về chuyến công du phía Nam”. Khi đó, Đặng chỉ là một đảng viên ĐCSTQ, không có bất kỳ chức vụ nào. Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân lúc đó là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ cũng phải nghe theo Đặng. Nếu dám không nghe lời, Đặng có thể lật đổ ông ta. Trước đó, Đặng đã phế truất Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Hoa Quốc Phong. Ngoài ra, Đặng còn phế truất hai Tổng Bí thư ĐCSTQ là ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương, đó là bởi vì quyền lực quân đội đều nằm trong tay Đặng và thân tín của ông ta.

Ông Hồ Cẩm Đào từng là Tổng bí thư Ủy ban Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, nhưng ông Hồ Cẩm Đào đều nhất nhất phải nghe theo ông Giang Trạch Dân. Nếu không nghe lời, thì Giang có thể hạ bệ Hồ bất cứ lúc nào vì quân quyền khi đó đều nằm trong tay phe cánh họ Giang.

Kể từ khi hiến pháp sửa đổi từ năm 2018 đến nay, thế lực chống Tập đã coi việc “sửa đổi hiến pháp nắm quyền trọn đời” của ông là một tội trạng lớn. Đối với ông Tập mà nói, việc sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước quả thật là một nước cờ sai lầm.

Vậy ai là người đã đưa ra ý tưởng này? Đó có thể là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh. Ngày 29/9/2017, cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã quyết định sửa đổi hiến pháp và thành lập tổ công tác sửa đổi hiến pháp, tổ trưởng là ông Trương Đức Giang, khi đó là Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, phó tổ trưởng là ông Vương Hộ Ninh, khi đó là Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, và ông Lật Chiến Thư – Giám đốc Văn phòng Trung ương. Bởi ông Trương Đức Giang sẽ nghỉ hưu tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào tháng 10 cùng năm, nên chỉ mang cái danh mà thôi, còn ông Lật Chiến Thư khi đó là người quản lý của Văn phòng Trung ương của ông Tập, có rất nhiều việc cần giải quyết, vậy nên tổ công tác này có thể phần nhiều là do ông Vương Hộ Ninh phụ trách.

Ông Vương Hộ Ninh là thân tín quan trọng nhất được phe cánh ông Giang Trạch Dân cài cắm bên cạnh ông Tập Cận Bình. Vương đã từng phụng sự 3 nhà lãnh đạo ĐCSTQ là ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, vậy nên được mệnh danh “quốc sư ba triều”, “túi khôn” hàng đầu của ĐCSTQ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông chính là hoạch định sách lược cho người lãnh đạo.

Lợi dụng cơ hội phụ trách sửa đổi hiến pháp, ông Vương Hộ Ninh đã đưa ra chủ ý này cho ông Tập Cận Bình, thoạt nhìn thì có vẻ nghĩ thay cho ông Tập, nhưng thực tế dụng tâm lại cực kỳ hiểm ác.

Thứ ba, mọi chuyện cứ để một mình ông Tập lo

Ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, một thân nắm giữ quyền lực cao nhất trong đảng, chính phủ và quân đội.

Ông Tập cũng là Giám đốc Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương, Giám đốc Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương, Giám đốc Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương, Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Trung ương, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Toàn diện Trung ương, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, lãnh đạo Nhóm lãnh đạo Công tác về vấn đề Đài Loan, lãnh đạo Nhóm lãnh đạo sâu rộng về quốc phòng của Quân ủy Trung ương và Cải cách Quân đội, Tổng tư lệnh của Trung tâm Chỉ huy Tác chiến của Quân ủy Trung ương…

Có phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin: “Ông Tập Cận Bình có quá nhiều chức danh – hơn 10 chức danh, hơn nữa vẫn đang tăng lên, đến nỗi có người gọi ông là ‘Chủ tịch toàn năng’”.

Ông Tập ôm nhiều chức danh vào người như thế để làm gì? Đó là biểu hiện cần chính dốc lòng xây dựng đất nước, hay là bởi việc đã đến tay không thể thoái thác, hay bản thân ông đang lo lắng điều gì? Là bởi ông không tin tưởng ai khác? Hay chỉ là bất đắc dĩ?

Ông Trình Hiểu Nông – tiến sĩ Đại học Princeton, Hoa Kỳ phân tích rằng, ông Tập Cận Bình đảm đương nhiều chức vụ như vậy thật sự rất vất vả, ông ấy chủ yếu là bất đắc dĩ. Ông ấy không có được một đội ngũ lớn  mạnh và đáng tin cậy, các thành viên khác trong Bộ Chính trị đều không đáng tin cậy. Nếu bản thân ông ấy không tự làm, các thế lực chống đối sẽ quậy tung lên.

Phân tích này cũng có đạo lý nhất định. Đặc biệt là trong 5 năm trước khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã dùng “nhóm nhỏ trị quốc” để tập trung quyền lực phân tán trong tay thân tín hai ông Giang – Tăng vào tay mình, kết quả đã làm thành một vài việc lớn.

Đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, uy thế và quyền lực cá nhân của ông Tập đã đạt đến đỉnh cao. Người ở vị trí cao nhất nên tập trung tinh lực vào những việc lớn, bỏ qua những điều nhỏ nhặt, dành nhiều thời gian và tinh lực để nghiên cứu các vấn đề trọng đại có tính định hướng, tổng thể, lâu dài và cơ bản, hoạch định chiến lược và sách lược, sử dụng nhân tài sao cho hiệu quả. Do vậy, người ở vị trí cao nhất nên gắng sức kiêm ít hoặc không kiêm thêm những chức vụ khác.

Tuy nhiên, sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, chức vụ của ông Tập Cận Bình mỗi lúc một nhiều, xem như một mình ôm trọn đại quyền, nhưng thực tế lại mệt mỏi vô cùng, đến nỗi khiến cho quan hệ Trung – Mỹ ngày một xấu đi, chính sách “một Quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông bị phá hủy, thống nhất Đài Loan với thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” tan thành bọt nước… Lòng dân oán thán khắp nơi, nguy cơ trỗi dậy tứ bề.

Phe cánh ông Giang Trạch Dân cứ để ông Tập lo liệu mọi việc, bận rộn cả ngày, không còn thời gian và sức lực để nghĩ đến những việc lớn khác. Cứ để ông Tập làm gì hỏng nấy, sau đó quy hết mọi trách nhiệm lên đầu ông Tập. Đây có thể là một “hố lớn” khác mà nhóm người ông Vương Hộ Ninh đã đào cho ông Tập Cận Bình.

Thứ tư, cài cắm thân tín xung quanh ông Tập

Ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là người đứng đầu trong “chính phủ ngầm” của ĐCSTQ, từ trung ương đến địa phương, từ trong nước đến ngoài nước, đâu đâu cũng có thân tín của hai ông này.

Trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 19, ba ông Vương Hộ Ninh, Hàn Chính, Triệu Lạc Tế đều là người của phe Giang – Tăng. Riêng ông Lý Khắc Cường thì được ông Hồ Cẩm Đào đề bạt. Ông Vương Hộ Ninh đã lợi dụng bộ máy tuyên truyền mà bản thân ông ta nắm giữ, liên tục tạo ra mối bất hòa giữa hai ông Tập – Lý, và đã khởi được tác dụng ly gián ở một mức độ nhất định. Ông Uông Dương, thành viên thứ 4 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, cũng được cho là nhân vật thuộc phe ông Hồ Cẩm Đào.

Trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, thân tín thật sự của ông Tập Cận Bình chỉ có mình ông Lật Chiến Thư.

Ngoài ra còn có ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước Trung Quốc, được gọi là “Ủy ban thường vụ thứ 8”. Ban đầu, Vương đã giúp Tập chống tham nhũng lập nhiều công lao hiển hách. Tuy nhiên, về sau do thân tín của phe Giang – Tăng trong và ngoài nước đã dùng đủ chiêu trò để ly gián mối quan hệ giữa hai ông Tập – Vương, và đã thu được hiệu quả nhất định.

Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, quân đội đã nằm trong tay ông Giang Trạch Dân và thân tín của ông ta trong một thời gian dài. Hai thân tín lớn của ông Giang Trạch Dân là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, khi đó là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã câu kết với nhau mua quan bán chức phát đại tài, bí mật này đã được công khai. Quách Chính Cương, con trai của ông Quách Bá Hùng, từng nói: “Hơn một nửa số cán bộ trong quân đội là được gia đình tôi đề bạt”.

Trong hơn 8 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, quan chức quân đội phụ trách khu cảnh vệ Bắc Kinh đã thay đổi 7 người, trong đó gồm 4 tư lệnh viên: Trịnh Truyền Phúc (Zheng Chuanfu), Phan Lương Thời (Pan Liangshi), Vương Xuân Ninh (Wang Chunning) và Phó Văn Hóa (Fu Wenhua); 3 ủy viên chính trị: Cao Đông Lộ (Gao Donglu), Khương Dũng (Jiang Yong) và Trương Phàm Địch (Zhang Fandi). Tại sao phải đổi người, bởi ông Tập không tin tưởng ai cả.

Vào ngày 10/2 (hôm 29 tết âm lịch), các thành viên cấp cao của ĐCSTQ đã tổ chức một bữa tiệc mừng năm mới. Xung quanh ông Tập đã bố trí một nhóm người mặc đồ đen chuyên phụ trách theo dõi các quan chức cấp cao khác tham dự cuộc họp. Sự bất an của ông Tập đã được cả thế giới biết đến.

Cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra bên trong ĐCSTQ

Năm 2021 là một lần cơ hội cuối cùng để các thế lực chống Tập bên trong ĐCSTQ loại bỏ ông Tập.

Những thay đổi mạnh mẽ trong tình hình chính trị Hoa Kỳ càng là một sự khích lệ to lớn để “chính phủ ngầm” bên trong ĐCSTQ gắng sức loại bỏ ông Tập.

Có thể thấy trước rằng trong năm 2021, các thế lực chống Tập vẫn sẽ sử dụng chiêu bài  “sùng bái cá nhân”, “sửa đổi hiến pháp”, và “độc chiếm quyền lực” làm cái cớ để công kích ông Tập. Đám thân tín mà hai ông Giang – Tăng cài cắm trong ngoài xung quanh ông Tập khẳng định sẽ hợp lực với nhau để hạ bệ Tập. Và ông Tập chắc chắn sẽ tiếp tục thanh trừng các đối thủ dưới danh nghĩa chống tham nhũng.

Việc ông Tập tuyên bố chống tham nhũng “chỉ có thể thắng chứ không thể thua” cho thấy ông Tập đã ý thức được nguy cơ trước mắt, nhưng ông lại không nhận ra gốc rễ của mối nguy là nằm ở đâu. ĐCSTQ dưới sự thao khống của phe cánh ông Giang Trạch Dân từ lâu đã trở thành đảng chính trị hủ bại nhất thế giới, nhưng ông Tập vẫn gắng sức bảo vệ cái đảng chính trị hủ bại này.

Bốn “hố lớn” nói trên đều do hai ông Giang – Tăng cùng thân tín của họ đã lợi dụng tình cảm “bảo vệ đảng” của ông Tập mà đào nên. Nếu ông Tập vẫn cứ khăng khăng bảo vệ đảng, có thể sẽ đẩy mình sa vào hố sâu và phải tự gánh chịu mọi hậu quả.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Trung Quốc xây đập lớn nhất thế giới tại Tây Tạng, viễn cảnh ảm đạm cho dân địa phương

Tin Tức Đa Chiều

Nhà tiên tri Nostradamus dự đoán 4 sự kiện lớn trong năm 2022

Tin Tức Đa Chiều

Quốc gia Đông Nam Á nguy cơ thành “quốc gia siêu lây nhiễm”

Science

Leave a Comment