Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Những bí ẩn đằng sau cuộc đảo chính ở Myanmar?

Những “dòng tiền” bí ẩn đằng sau cuộc đảo chính ở Myanmar đã được chỉ ra. Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang đã bảo vệ được những lợi ích tài chính của bản thân, gia đình và sự thống trị của quân đội về kinh tế bằng cách nắm quyền lực tuyệt đối.


Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang (Ảnh: AFP)

Ông Min Aung Hliang dành phần lớn sự nghiệp trong quân ngũ của mình để làm một sĩ quan trầm lắng, kín tiếng, ít xuất hiện trước công chúng và âm thầm leo lên các chức vụ cao hơn trước khi dành quyền lực tuyệt đối vào ngày 1/2 vừa qua, chỉ 6 tháng trước khi ông về nghỉ hưu ở tuổi 65 vào tháng 6 năm nay.

Trong số những mục tiêu khác, vị Tổng tư lệnh quân đội rõ ràng hy vọng rằng ông đã bảo vệ được bản thân, gia đình ông và đồng nghiệp trong quân ngũ khỏi một cuộc điều tra có khả năng được mở ra nhằm vào các thỏa thuận tài chính không minh bạch; Asia Times dẫn nhiều nguồn tin cho hay.

“Các lợi ích tài chính của ông ta cần phải được xem như một động cơ để tổ chức đảo chính” – các nhà hoạt động chiến dịch có tên Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) nói trong một tuyên bố.

“Tổng tư lệnh Min Aung Hliang có quyền lực tuyệt đối với 2 tập đoàn của quân đội – Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdins Limited (MEHL)” – nhóm này nhấn mạnh.

MEC và MEHL được cho là đã đầu tư vào các hoạt động cảng thương mại, kho chứa container, khai thác ngọc bích và ruby, bất động sản, xây dựng cùng nhiều lĩnh vực sinh lời khác ở Myanmar.


Quân đội Myanmar trong một buổi diễu binh ngày 27/3/2019 (Ảnh: AFP)

Con trai của Min Aung Hliang, Aung Pyae Sone, điều hành một “doanh nghiệp cung ứng dược phẩm, A&M Mahar, chuyên bán giấy phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, trung gian nhập khẩu, buôn bán và tiếp thị công nghệ dược và y tế”; tuyên bố trên nêu rõ.

“Aung Pyae Sone cũng sở hữu Khu nghỉ dưỡng ven biển Azura (Azura Beach Resort), tư nhận là khu nghỉ dưỡng lớn nhất ở Chaung Tha”, một khu vực ben biển thuộc Ayeyarwady.

Công ty xây dựng Sky One Construction cách đây vài năm được cấp phép “xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên 22,22 mẫu đất của chính phủ…Sky One Construction thuộc sở hữu của Aung Pyae Sone”; tuyên bố nói.

“Vợ của Aung Pyae Sone, Myo Yadanar Htaik cũng tham gia kinh doanh, là Giám đốc của Công ty Sản xuất và Thương mại Nyein Chan Pyae Sone cùng với chồng mình. Con gái của Min Aung Hlaing, Khin Thiri Thet Mon, sở hữu Seventh Sense, một công ty truyền thông thường xuyên có hợp đồng với Nay Toe và Wut Hmone Shwe Yi”; tuyên bố nêu.

Và danh sách này còn rất dài. Một bản báo cáo của LHQ năm 2019 cho hay MEC và MEHL “đang đóng góp vào việc hỗ trợ tiềm lực tài chính của Tatmadaw (quân đội Myanmar)”.

Báo cáo nói rằng 2 tập đoàn quân đội này cho thấy “rủi ro cao đóng góp hoặc có liên hệ với các vi phạm luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế”.

Thủ lĩnh của cuộc đảo chính nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các sĩ quan khác trong quân đội, trong đó bao gồm cả những người được hưởng lợi từ vô số khoản đầu cơ kinh doanh của quân đội.

Tổng tư lệnh quân đội cũng được cho là làm hài lòng binh sĩ dưới quyền bằng những khoản tiền mua trang thiết bị vũ khí đắt tiền từ Trung Quốc, Nga, Israel và nhiều nước khác – những thỏa thuận thường cho phép các tướng lĩnh cấp cao hưởng lợi từ số tiền dôi ra.

Những “dòng tiền” bí ẩn đằng sau cuộc đảo chính ở Myanmar ảnh 2
Một cuộc biểu tình phản đối đảo chính trước cửa Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan hôm 4/2 (Ảnh: AFP)

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng xếp Myanmar vào một trong những nước cuối bảng, xét theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của tổ chức này.

Nhưng chính sự kiểm soát chặt chẽ mà Min Aung Hliang, gia đình ông và các tướng lĩnh dưới quyền ông nắm giữ đã giúp cho các hoạt động tài chính của họ khó được công khai.

Nếu như Min Aung Hliang an phận nghỉ hưu thay vì thực hiện cuộc đảo chính ngày 1/2 vừa qua, ông rất có khả năng sẽ bị điều tra tài chính dưới sự chỉ đạo của chính phủ mà đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

“Khi bà Suu Kyi giành thêm một thắng lợi bầu cử đầy thuyết phục, nó sẽ gây rủi roc ho địa vị của quân đội trong khoảng thời gian dài sắp tới” – Avinash Paliwal, một tác giả đang tham gia công tác giảng dạy tại ĐH Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở London (Anh), nhận định.

Điều khó nắm bắt hơn là làm thế nào mà Min Aung Hliang và quân đội Myanmar thu được lợi ích từ mối quan hệ thương mại đang tăng dần giữa đảng NLD của bà Suu Kyi với Trung Quốc – nước có rất nhiều lợi ích nhờ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Myanmar theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Hiện chưa rõ bao nhiều trong số những dự án khổng lồ này được hướng dẫn và kiểm soát bởi NLD, và liệu quân sự có đang chia sẻ lợi ích từ các dự án đó hay không.

Sức ép quốc tế đã bắt đầu đổ dồn lên Min Aung Hliang kể từ khi quân đội của ông đàn áp người thiểu số Rohingya, và dự kiến sức ép đó sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới đây. Bà Suu Kyi – người từng giành giả Nobel Hòa bình – rất nổi tiếng ở Myanmar mặc dù đã bị tước đi nhiều giải thưởng quốc tế, do có vai trò trong hành động trước khủng hoảng người Rohingya.

Các điều tra viên của LHQ từng nói rằng quân đội Myanmar nên bị khởi tố vì tội “diệt chủng” khi thảm sát và trục xuất người Rohingya khỏi miền Tây nước này trong khoảng 2016-2017. Hơn 730.000 người Rohingya đã tháo chạy sang Bangladesh, nơi mà họ tiếp tục sống chật vật trong những trại tị nạn.


Bà Aung San Suu Kyi và ông Min Aung Hliang (Ảnh: AFP)

Bà Suu Kyi và quân đội đã bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và nói rằng lực lượng an ninh Myanmar đã khởi động các cuộc tấn công tự vệ nhằm vào “những kẻ khủng bố”.

Năm 2019, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với Min Aung Hliang và 3 tướng lĩnh quân đội Myanmar vì có vai trò trong các vụ đàn áp người Rohingya. Lệnh trừng phạt bao gồm việc đóng băng toàn bộ tài sản của Min Aung Hliang và 3 sĩ quan trên. Các mối quan hệ giữa doanh nghiệp Mỹ với họ cũng bị coi là phạm pháp theo lệnh trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức lên án vụ đảo chính ở Myanmar và đe dọa sẽ áp thêm lệnh trừng phạt nếu hành động này không được đảo ngược. Nhưng mọi đòn trừng phạt của Mỹ cũng khó tước đoạt được quyền lực của Min Aung Hliang và quân đội.

Quân đội đã liên tục nắm quyền lực cai trị đất nước Myanmar suốt nhiều thập kỷ, bắt đầu bằng một cuộc đảo chính năm 1962 và tiếp đó là một cuộc nổi dậy năm 1988, trước khi cho phép một tiến trình dân chủ nửa vời diễn ra, giúp bà Suu Kyi và đảng NLD giành chiến thắng trong các kỳ bầu cử năm 2015 và 2020.

Thế nhưng, quân đội vẫn duy trì được vai trò chính trị của họ thông qua quyền được chỉ định các vị trí trong quân đội, quyền phủ quyết trong Quốc hội và nắm giữ các bộ ngành quản lý vấn đề biên giới, nội địa và quốc phòng.

Các chính quyền quân đội trước đây ở Myanmar đã biến nền kinh tế nước này từ chỗ thịnh vượng bậc nhất trong khu vực thành một nền kinh tế nghèo nàn đầy rẫy sự bất bình đẳng, và còn trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt.

Hiện chưa rõ những nhà đầu tư nước ngoài từng đến Myanmr dưới thời chính phủ dân cử của bà Suu Kyi phản ứng ra sao. Nhưng rất nhiều người đã thất vọng sau cuộc khủng hoảng di cư người Rohingya. Các tổ chức nhân quyền vẫn đang tiếp tục gây sức ép với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Myanmar.

“Doanh nghiệp của bạn có đang rót vốn cho các vụ lạm dụng của quân đội Myanmar?” – Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York, viết trong hôm 3/2.

HRW còn đặc biệt nhằm vào công ty bia và nước giải khát Kirin Holdings của Nhật Bản vì có góp vốn cho các hãng sản xuất đồ uống có liên quan tới 2 tập đoàn quân đội Myanmar.


Kirin Holdings tuyên bố cắt đứt quan hệ đối tác với MEHL (Ảnh: Getty)

Ngay trong hôm 5/2, Kirin Holdings đã tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ đối tác với MEHL để phản ứng trước vụ đảo chính. Kirin là cổ đông lớn trong hai công ty Bia Myanmar và Bia Mandalay liên doanh với MEHL.

Ở Thái Lan, hãng Amata cũng tạm thời ngừng dự án phát triển bất động sản công nghiệp trị giá 1 tỉ USD ở Myanmar do quan ngại nước này sắp bị áp lệnh trừng phạt mới, khiến dự án của họ không thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi và các khách hàng của chúng tôi lo ngại về khả năng bị các nước phương Tây tẩy chay thương mại” – Viboon Kromadit, Giám đốc Marketing của Amata, nói.

Trong khi đó, Suzuki Motor đã ngừng hoạt động của 2 nhà máy chế tạo xe hơi ở Myanmar cho đến khi tình hình hậu đảo chính ổn định

Related posts

Bạo hành trong gia đình: Trách chi con tạo xoay vần, yêu thương kia giảm mấy phần vì ai?

Tin Tức Đa Chiều

Trẻ em tại Việt Nam mắc Covid-19 ngày một cao đáng báo động, nhiều F0 diễn tiến nặng là thiếu niên thừa cân, béo phì

Tin Tức Đa Chiều

Hoa Kỳ – Trung Quốc: Người cúi mình, kẻ chà đạp

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment