Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Thế Giới Tiêu Điểm

Thay quả đạn pháo bằng phụ nữ, chuyện gì sẽ xảy ra?

Rossa là một nghệ sĩ xiếc nổi tiếng khắp châu Âu vào thế kỷ XIX với màn biểu diễn “súng thần công người” gây kinh ngạc.

Rạp xiếc là nơi chứa đựng bất ngờ với những pha biểu diễn đáng kinh ngạc, đôi khi nguy hiểm, khiến người xem không tin vào mắt mình. Một trong những màn biểu diễn nổi tiếng nhất và nguy hiểm nhất là “súng thần công người”. Con người lâu nay luôn mơ ước được bay trên bầu trời xanh và theo cách nào đó, màn mạo hiểm này mang đến cho họ cơ hội thỏa nguyện.

Trong màn “súng thần công người”, nghệ sĩ biểu diễn được phóng ra từ một khẩu pháo và đáp xuống những đệm khí hay những tấm lưới. Khi biểu diễn ngoài trời, hạ cánh xuống một bể chứa hay hồ nước thường là lựa chọn được ưa thích hơn.

Đây rõ ràng không phải một màn biểu diễn an toàn, ngay cả ở hiện tại. Vì thế, người đầu tiên quyết định thực hiện nó chắc chắn vô cùng dũng cảm hoặc vô cùng điên rồ.

Rossa Matilda Richter, được biết đến rộng rãi với nghệ danh “Zazel”, là người như vậy. Ngay từ khi còn nhỏ, Rossa đã thực hiện các màn biểu diễn mạo hiểm như nhảy cầu hay đu người trên không. Năm 14 tuổi, Rossa đã có tiếng tăm nhờ nhan sắc xinh đẹp, vóc dáng săn chắc và sức mạnh dẻo dai.

Rossa sinh năm 1860 ở London, là con gái của Ernst Karl Richter và Susanne Richter. Cha bà là “ông bầu” chuyên cung cấp động vật và nghệ sĩ biểu diễn cho những rạp xiếc hay nhà sản xuất. Mẹ bà là một vũ công rạp xiếc.

Trong suốt thời thơ ấu, nhờ quan sát và lắng nghe, Rossa đã học được cách biểu diễn lôi cuốn và quan trọng nhất là làm sao để ngã an toàn. Khi mới 4 hay 5 tuổi, Rossa bắt đầu sự nghiệp biểu diễn với nghệ danh “La Petite Lulu”.

Ý tưởng về màn biểu diễn “súng thần công người” thuộc về mạo hiểm gia William Leonard Hunt, người Canada. Ông được công chúng gọi với biệt danh “Farini Vĩ đại” và là người phát minh ra thiết bị pháo bắn “đạn người”.

Năm 1871, Hunt đã phát triển thành công và lấy bằng sáng chế cho cơ chế phóng “đạn người” vào lưới an toàn. Tuy nhiên, thiết bị này khá nguy hiểm vì người biểu diễn có rất ít khả năng kiểm soát chuyển động và đường đạn.

Tuy nhiên, nguy hiểm cũng không thể cản bước Rossa. Ngày 2/4/1877, tại Thủy cung London, cô gái 17 tuổi, là người đầu tiên thực hiện màn biểu diễn “súng thần công người”, với nghệ danh Zazel.

Bên trong pháo, người ta sử dụng lò xo cao su để không phóng Rossa đi quá xa, đề phòng trường hợp bà không thể nhắm trúng điểm đáp. Rossa được cho là đã bay 21 m trên không trung và đáp xuống lưới an toàn. Khán giả có mặt hôm đó kinh ngạc đến mức không thốt nên lời.

Màn trình diễn “súng thần công người” đã làm nên tên tuổi của Rossa. Khán giả bắt đầu gọi bà bằng nhiều cái tên như “Zazel, nhà vô địch thế giới”, “Zazel khả ái”, “Zazel, súng thần công người”, “Zazel, kỳ quan của thế giới” hay “Zazel kiêu sa”.

Nhiều tờ báo đăng bài về màn biểu diễn của Rossa và độc giả dường như muốn biết mọi thứ về “kẻ liều mạng” này. Rossa được mến mộ đến mức bà phải thực hiện màn trình diễn “súng thần công người” hai lần mỗi tuần. Nơi nào có Rossa, nơi đó đều cháy vé. Bà có thể thu hút tới 10.000 người đến xem chỉ trong một lần biểu diễn.

Dù Rossa đã tạo dựng được danh tiếng là một nghệ sĩ biểu diễn trên không phi thường, không phải các màn trình diễn của bà đều suôn sẻ. Bà từng không ít lần bị chấn thương khi thực hiện “súng thần công người”. Lần tai nạn đầu tiên xảy ra tại Thủy cung Hoàng gia ở Westminster, London.

Bà gặp một tai nạn khác vào năm 1879 ở Portsmouth. Tấm lưới dùng để đỡ bà bị hỏng, khiến Rossa rơi xuyên qua lưới. Bà không bị gãy xương nhưng không thể tham gia biểu diễn vào hôm sau. Một số tờ báo lúc bấy giờ bày tỏ phẫn nộ với những người đã để bà đặt cược tính mạng theo cách này.

Tháng 12/1879, trong màn biểu diễn nhào lộn ở rạp xiếc Chatham, bà bị ngã từ trên không nhưng rơi trúng lưới an toàn. Trong lúc được bế khỏi sân khấu, Rossa liên tục lẩm bẩm: “Toi rồi”.

Bà gặp phải một số chấn thương nghiêm trọng nhưng chủ rạp xiếc đã phớt lờ và vẫn yêu cầu bà trở lại sân khấu trong nửa giờ sau. Bà biểu diễn phần còn lại với đôi tay băng bó và được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.

Rossa Richter sau này kết hôn với nhà báo George Oscar Starr và cùng lập nên công ty Starr Opera năm 1886. Nửa sau cuộc đời, Rossa trở lại rạp xiếc và tận dụng chuyên môn của mình để giáo dục công chúng về sự hữu ích của lưới an toàn, như để đỡ người nhảy từ trên cao trong trường hợp hỏa hoạn.

Khi nghỉ hưu, Rossa trở lại London cùng chồng. Bà qua đời tại bệnh viện Camberwell House ở Peckham ngày 8/12/1937, hưởng thọ 77 tuổi.

Related posts

Ông Trump phản ứng về buổi họp báo của TT Biden: ‘Thật đáng buồn!’

Tin Tức Đa Chiều

Nhật tố tàu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lãnh hải

Tin Tức Đa Chiều

Anh: 35 người bị điếc và 25 người bị mù sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

Leave a Comment