Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Phản ứng với các vấn đề xã hội: Bàng quan hay sử dụng văn hóa lưu manh trị lưu manh?

Với sức mạnh của truyền thông xã hội, những vấn đề gây bức bối xuất hiện trên các trang mạng và báo điện tử ngày càng nhiều. Khi đối diện với những điều không đẹp, có hai trạng thái phổ biến nhưng hoàn toàn đối nghịch: Hoặc là bàng quan, hoặc là dùng cái bất thiện để đấu với cái bất thiện. Nhưng có vẻ cả hai đều chưa phải là cách tốt nhất để phản ứng một cách có trách nhiệm.

Trách nhiệm với xã hội, đó là một khái niệm tương đối mơ hồ và ít gây hứng thú trong thời buổi ngày nay. Nhưng sau tất cả, chẳng phải đó nên là một trong những mục tiêu sống cuối cùng mà bạn cần hướng tới để sự tồn tại của mình không vô nghĩa và tầm thường? Và đó cũng sẽ là di sản có giá trị bền vững mà bạn để lại cho con cháu mình, để chúng không phải sống trong một môi trường đầy rủi ro và loạn lạc.

“Nói nhiều chuyện nhức đầu cũng có giải quyết được gì đâu”

Những câu chuyện xứng đáng có được sự quan tâm hơn nữa của chúng ta dường như lại đang chìm nghỉm giữa các tin tức giật gân mang tính nhất thời. Có lẽ một phần cũng bởi chúng ta cảm thấy bất lực và mệt mỏi khi phải nghĩ hay nói tới chúng.

Vấn đề có được giải quyết đâu khi cứ nói về việc từng cái hít thở của chúng ta đang mang theo biết bao bụi mịn vào cơ thể? Vấn nạn giáo dục như chạy điểm, nâng điểm, bệnh thành tích à? Con tôi dù sao cũng qua tuổi thi đại học rồi, hay sau này có điều kiện thì sang nước ngoài học, đợi chờ thay đổi thì còn lâu! Việc đặt những BOT thu phí đường bộ bất hợp lý ư? Mình không phải là dân chạy xe đường dài, thường xuyên phải đi qua những đoạn đường đó, quan tâm làm gì cho mệt óc! Thông tin, phương tiện giải trí lệch lạc lan tràn trên mạng ảnh hưởng lớn tới thế hệ trẻ ư? Con mình không nằm trong số theo dõi những thứ đó đâu! Tình hình kinh tế xã hội nhiều vấn đề nổi cộm à? Quan tâm làm gì chứ, đằng nào thì cũng không giải quyết được vấn đề gì hết, lại vướng vào cái gọi là “làm chính trị” vừa bao đồng vừa mệt óc, kiếm cơm hàng ngày còn chưa xong đây này…

Như Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang viết trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” của ông, người Việt có một khái niệm “sống chung với lũ” trong những tình huống như thế này. Bởi đã là lũ thì chỉ có thể cam chịu. Và những người bàng quan có một sự an ủi rằng, dù phải sống với lũ, “sống cùng cái xấu, nhưng họ khác nó, họ không phải cái xấu”.

Và việc “sống chung với lũ” đó, như ông Giang viết: “…chỉ là một sự tự ru ngủ. Bởi khi người ta chấp nhận sống chung với cái dối trá, thậm chí cố gắng trục lợi từ nó, thì như Vacslav Havel, cố tổng thống Tiệp Khắc, viết trong tiểu luận mang tên Quyền lực của những người không quyền lực, ‘người ta xác nhận cái hệ thống, đáp ứng nó, làm ra nó. Người ta chính là cái hệ thống đó’” – (Trích: Bức xúc không làm ta vô can).

Khác với sự cẩn trọng khi chủ động tìm hiểu thông tin đầy đủ rồi mới đưa ra cách suy nghĩ của mình, những người bàng quan lại ngay lập tức quyết định không quan tâm. Lý do hầu hết là vì cảm thấy bất lực, cảm thấy ý kiến của mình chẳng thay đổi được điều gì. Hoặc ở một khía cạnh ngược lại, họ cảm thấy vấn đề không trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của mình, hay lo sợ bản thân bị vướng vào rắc rối khi dám chống lại thế lực xấu. Dù với cách nghĩ nào, nếu không phải xuất phát từ sự cẩn trọng, thì bàng quan có lẽ chỉ là sự ích kỷ khoác lên chiếc áo trung dung, điềm tĩnh mà thôi.

Triết học gia La Mã Lucius Annaeus Seneca từng nói rằng:

Người không ngăn chặn tội ác, khi có thể, sẽ khuyến khích nó.

Sự sai trái, cái ác hay bất cứ điều gì trái lại với đức Nhân “cái gì mình không muốn chớ làm cho người”, đều cần phải bị phê phán. Chúng ta không thể trực tiếp cấp thuốc giải cho nó chỉ bằng việc quên chúng đi.

Im lặng là vàng, nhưng đôi khi nó là tội lỗi.

Nhờ có những người không im lặng, rất nhiều vấn đề xã hội đã được quan tâm và giải quyết thấu tình đạt lý hơn. Những vụ án như nguyên giám đốc Nguyễn Khắc Thủy, bác sĩ Hoàng Công Lương, lái xe container đâm xe Innova lùi trên đường cao tốc… nếu không có tiếng nói của dư luận, thì việc xử lý không công bằng có thể sẽ khiến người dân mất hoàn toàn niềm tin vào lẽ phải. Phản biện xã hội đã phần nào giúp công lý được thực thi, nhưng cũng qua đó cho thấy sự bất cập của pháp luật và việc thực thi pháp luật.

Nói cho cùng, pháp luật cũng chỉ được thực thi sau khi tội ác đã diễn ra để răn đe con người. Cái ngăn chặn tội ác thật sự, từ sâu thẳm trong tâm hồn, chính là nền tảng đạo đức của cá nhân, trong gia đình và xã hội.

Phản biện xã hội dựa trên sự công bằng và thấu tình đạt lý, sẽ giúp duy trì luồng tư tưởng đạo đức chung cho toàn xã hội, và đó là điều cần phải có trong mọi thời thịnh thế từ xưa đến nay.

Nhưng không thể dùng hình thức lưu manh để trị cái ác

Ngược lại với sự bàng quan dựa trên nỗi sợ hãi mơ hồ, tính ích kỷ và tự ru ngủ mình, cách phản ứng gay gắt và độc địa dù gây được sự chú ý nhưng cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho đạo đức xã hội.

Những bình luận không mang tính xây dựng, không đem lại thông điệp gì ngoài sự hả hê và hận thù, vừa không khiến vấn đề được giải quyết vì nó không dựa trên cả lý lẫn tình, vừa chất chồng thêm những năng lượng tiêu cực cho những người đọc nó.

Ở sau bàn phím, người ta không còn sự câu thúc của tính chính danh, những lời mà bình thường phải uốn lưỡi mấy lần cũng không dám nói thì nay được bung xả. Nó mang lại cảm giác sung sướng giải tỏa và khiến người ta được trải nghiệm vị thế của kẻ có tiếng nói và quyền lực. Sự lưu manh không bị ước chế, lại được núp dưới tấm áo bảo vệ lẽ phải, nên nó càng manh động.

Lịch sử đã chứng minh rằng, nhờ tầng lớp lưu manh có thể đắc được thiên hạ, nhưng không thể trị được thiên hạ. Lưu Bang khi xưa nổi danh vì háo sắc ham rượu, nhưng sau khi đoạt được chính quyền, ông ta cũng đã hiểu được đạo lý rằng được thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa. Lưu Bang đã ra lệnh chế ra các nghi lễ triều đình, dùng tư tưởng Đạo gia, dựa vào đạo đức nhân nghĩa, thanh tĩnh vô vi để lệnh cho thiên hạ tu dưỡng sinh sống. Lưu manh thời xưa cũng hiểu được rằng để duy trì xã hội phải dùng văn hóa chính thống chứ không thể dùng sự bất hảo, bất thiện mà tùy tiện làm bừa.

Ấy vậy mà thời nay, dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu, tính “chiến đấu” trong xã hội lại ngày càng mạnh mẽ. Trong khi không chú ý tới những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản mà quá tập trung phát triển kinh tế, chúng ta đã để mặc xu thế lưu manh hóa từ người ít học tới có học, khiến mình trở nên tầm thường, vô cảm, tùy tùy tiện tiện, dù có yêu thương hay căm ghét cũng theo một cách vô minh, thiếu lý trí.

Mặt khác, dùng ác ngôn, ác hành để trị lại cái xấu, cái ác thì chính là ca tụng văn hóa thô bỉ. Con người ta luôn có khuynh hướng theo cách nghĩ hoặc thái độ của số đông một cách bất tri bất giác, để chứng minh rằng bản thân họ không bị cô lập, mà thuộc về quần thể. Thế nên, trong xã hội mà văn hóa thô bỉ chiếm chủ đạo, theo thời gian, thứ văn hóa đó sẽ lan tỏa và tích lũy, dần dần sẽ cải tạo cả tập quán sinh hoạt của xã hội. Nó khiến con người mở miệng là nói lời dơ bẩn, hành vi thấp kém, tranh tranh đấu đấu, tùy tiện phán xét và không tin tưởng một ai.

Có câu chuyện rằng, nếu hỏi học sinh Đài Loan và Trung Quốc rằng khi ở trong một văn phòng nóng quá, muốn mở cửa thì nói sao. Học sinh Đài Loan sẽ nói: “Trời nóng quá, tôi mở cửa sổ, anh không ngại chứ?” Còn học sinh Trung Quốc sẽ nói: “Nóng như thế này, sao còn chưa mở cửa sổ?” Hai câu có vẻ có cùng ý tứ, nhưng câu nói của học sinh Trung Quốc khiến người nghe bị hãm vào thế bị động, dường như không mở cửa sổ là không bình thường, thậm chí nghe có vẻ như họ đang mắc tội vì đã không mở cửa sổ. Đó chính là biểu hiện của tâm tranh đấu trong văn hóa lưu manh đã thâm nhập vào tập quán ngôn ngữ của người Trung Quốc rồi.

Ngày nay, lên mạng xã hội đọc những bình luận dưới những câu chuyện gây bức xúc, phần lớn là những lời lẽ trách móc, kết tội, đặt người khác vào thế dưới tương tự như trong câu chuyện trên của học sinh Trung Quốc. Những lời đó, dần dần sẽ hình thành nên thứ văn hóa hạ lưu, mà hạ lưu sẽ sinh ra hạ lưu, xã hội lâm nguy, nhìn lại không biết đâu là căn nguyên, lại chỉ có thể đổ cho đạo đức nhân loại xuống dốc.

Nếu như ai cũng có trách nhiệm trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động của mình, biết rằng mình đều có thể góp sóng thành bão cho những cơn bão, lũ mà thế hệ sau sẽ phải “sống chung”, thế thì sẽ không còn lũ nữa. Tự mình có trách nhiệm mà lên tiếng cho phù hợp trước các vấn đề xã hội, đó không phải là lo chuyện bao đồng, càng không phải là tát nước theo mưa để xả chút bức xúc oán hận vô lối, mà là giúp lẽ phải được thực thi, đạo đức được thăng hoa trở lại.

https://www.dkn.tv/

Related posts

“Đòn kép khủng khiếp” giáng xuống Ấn Độ: Dịch bệnh chưa qua, thảm họa lại ập tới

Con đường ngắn nhất để thay đổi vận mệnh

Tin Tức Đa Chiều

Tướng McInerney: Obama, Biden và Schiff đã phạm tội phản quốc và sẽ bị truy tố

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment