Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Liều dọa máy bay Mỹ, phi công Trung Quốc mất mạng: Điều đáng sợ hơn cả suýt nữa đã xảy ra

“Thật may mắn đã không có quả tên lửa nào nã vào căn cứ không quân Trung Quốc” – Một cựu học giả quân sự nói về cuộc chạm trán chí mạng giữa máy bay Mỹ-Trung gần đảo Hải Nam.

Sự kiện đảo Hải Nam

Đã 2 thập kỷ trôi qua kể từ cuộc chạm trán được đánh giá là nghiêm trọng nhất giữa máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc.

Ngày nay, bầu trời và vùng biển xung quanh Trung Quốc tràn ngập máy bay và tàu chiến với số lượng ngày càng gia tăng đến từ cả 2 phía. Tại Bắc Kinh, các học giả và quan chức nói với nhau về việc khi nào, chứ không phải liệu một vụ tai nạn khác có xảy ra hay không.

Sau đó, họ tự hỏi làm thế nào có thể xử lý một cuộc khủng hoảng tương tự, bởi cả hai quốc gia [Mỹ-Trung] giờ đây đều đang “bị nhốt” trong sự canh tranh ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.


Một chiếc J-8 do Trung Quốc sản xuất.

Vụ chạm trán vừa nhắc tới ở trên xảy ra giữa một máy bay chiến đấu của hải quân Trung Quốc và một máy bay do thám của Mỹ trên Biển Đông ngày 1/4/2001. Phi công Trung Quốc đã thiệt mạng sau vụ va chạm.

Trong khi đó, máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ, chiếc EP-3, bị hư hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam khi chưa được phép. Kết quả, phi hành đoàn EP-3 bị phía quân đội Trung Quốc bắt giữ. Đây đích thực là một phép thử ban đầu đối với George W. Bush – người khi ấy mới trở thành Tổng thống Mỹ được chưa đầy 3 tháng.

Các quan chức Lầu Năm Góc cung cấp cho phóng viên hình ảnh phi công Wang Wei bay gần chiếc EP-3 tới mức có thể thấy anh ta đang giơ ra địa chỉ email của mình. Khi được phỏng vấn sau đó, phi hành đoàn EP-3 cho biết, phi công Trung Quốc đã 2 lần áp sát liều lĩnh máy bay Mỹ trước khi đâm vào một cánh quạt của chiếc EP-3.

Trong khi đó, phía quân đội Trung Quốc đã đưa ra các định luật vật lý và cách lý giải theo lẽ thường rằng: chiếc máy bay của Wang Wei đã ở cách chiếc EP-3 400m – khoảng cách an toàn, cho tới trước khi máy bay Mỹ quay đầu và húc vào máy bay của Trung Quốc.


Hình ảnh minh họa vụ tai nạn do phía Trung Quốc đưa ra

Phi hành đoàn Mỹ được trả tự do chỉ 11 ngày sau vụ việc. Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Joseph Prueher đã ký gửi một lá thư cho biết chính phủ Mỹ “rất tiếc” về cái chết của phi công Trung Quốc. Trong khi lưu ý rằng chiếc EP-3 đã hạ cánh khẩn cấp để cứu phi hành đoàn, bức thư đề cập thêm là phía Mỹ “cũng rất xin lỗi” do máy bay của họ đã đến Hải Nam khi chưa được thông quan.

Thông qua bản dịch khéo léo sang tiếng Quan Thoại, Trung Quốc đã trình bày bức thư này như một lời xin lỗi chính thức từ Mỹ. Các lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố phi công – Thiếu tá hải quân Wang Wei là một liệt sĩ cách mạng và là Người bảo vệ Biển – Bầu trời.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì tích cực tuyên truyền, động viên người dân chuyển sự đau buồn thành động lực làm việc để đưa Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, đất nước tiến lên.


Chiếc EP-3E khi đang bị giữ tại Hải Nam.

Năm 2001, cả hai chính phủ Mỹ-Trung đều chấp nhận rủi ro để chấm dứt tình trạng bế tắc. Vài giờ trước khi phi hành đoàn Mỹ trước trả tự do về nước, người ta đã phỏng vấn một số người dân địa phương ở gần nơi nhóm người Mỹ bị giam giữ tại Hải Nam.

Bất chấp sự hiện diện của cảnh sát, những người qua đường hét lên rằng kíp lái của chiếc EP-3 nên bị đưa ra xét xử. Trong khi đó, những sinh viên đại học phẫn nộ thì kể rằng các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường của họ bị bóp nghẹt, áp phích viết tay bị xé bỏ.

Trước tất cả các yêu cầu liên quan tới việc Mỹ chấm dứt các chuyến bay giám sát gần Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã ra hiệu cho các đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Bush rằng họ muốn có một thỏa thuận vì lợi ích song phương.

Đáng lưu ý, Trung Quốc muốn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đăng cai Thế vận hội Olympic 2008. Sau khi đề cập rõ mong muốn để giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã lên đường công du châu Mỹ Latinh.

May mắn đã đóng một vai trò quan trọng trong vụ việc năm 2001. Sự sống sót của chiếc EP-3 là một điều may rủi. Chuẩn tướng Neal Sealock – tùy viên quốc phòng Mỹ tại Bắc Kinh, người dẫn đầu các cuộc đàm phán ở Hải Nam, cho rằng phi công EP-3 đã may mắn cứu được phi hành đoàn của mình, từ đó ngăn chặn thảm họa hoặc chiến tranh xảy ra do 24 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ va chạm, hoặc tệ hơn là bị bắn hạ.

Tất cả những chuỗi may mắn đã kết thúc

Theo giới phân tích, ngày nay, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã khó quản chế hơn. Hầu hết người Trung Quốc tiếp nhận tin tức từ các phương tiện trực tuyến, thay vì những kênh truyền hình trung thành từng tuyên truyền giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năm 2001.

Các học giả Trung Quốc nhận thấy một số thay đổi, bắt đầu từ khả năng ngày càng gia tăng của PLA.

Zhang Tuosheng, một cựu học giả quân sự và nhà ngoại giao, đồng thời là một chuyên gia về quản lý khủng hoảng tại Viện Grandview (trụ sở tại Bắc Kinh) cho biết vào năm 2001, các sĩ quan Mỹ đã tranh luận về việc phá hủy máy bay của chính họ để bảo toàn bí mật, nhưng may mắn là đã không nã tên lửa vào căn cứ không quân Trung Quốc.

Theo ông Tuosheng, năng lực thời hiện đại của Trung Quốc khiến Mỹ phải thận trọng hơn. Hai phía đã thiết lập các đường dây nóng khẩn cấp và quy tắc ứng trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, về cơ bản, Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa đạt được sự thống nhất về cách phòng tránh tai nạn và va chạm. PLA nhấn mạnh tới “an ninh quốc gia” tức là cảnh báo Mỹ nên ngừng đến gần Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ nhấn mạnh tới “an toàn”, tức là hành vi tỉnh táo trong các vụ chạm trán.

Trong khi đó, các phi công Trung Quốc cũng ngày càng hung hãn hơn. Kể từ năm 2021, các máy bay giám sát của Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chạm trán máy bay Trung Quốc ở khoảng cách gần. Giới chuyên gia dự đoán, nếu một thảm họa khác ập tới, sẽ rất khó giải quyết vào lần sau.

Related posts

Chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm giải mã loạt hành vi tàn nhẫn của “dì ghẻ”

Tin Tức Đa Chiều

Người Việt ở Ukraine: Bỏ lại tài sản sau 20 năm tích cóp và đêm dài nhất trong cuộc đời

Science

Tình trạng của các bị can ‘Tịnh thất Bồng Lai’ đang bị tạm giam giờ ra sao?

Science

Leave a Comment