Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Đình Hữu Bằng nằm ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là ngôi đình được nhiều người biết đến bởi giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt. Ngôi đình đến nay đã được khoảng 350 năm và hiện vẫn đang là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội của 9 thôn trong xã.

Phóng viên báo Dân Trí đã có mặt để gặp gỡ chủ nhân của ngôi đình làng bằng gỗ gụ độc đáo này là nghệ nhân Phan Lạc Hùng, 67 tuổi, trú tại ngõ thôn Sen, xóm Chùa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng quê có nghề gỗ truyền thống. Gia đình ông cũng là gia đình nhiều đời làm mộc có tiếng trong làng. Bởi thế, ngay từ thuở nhỏ, ông đã quen mùi gỗ, sớm đam mê với nghề, tay quen với “cái chày, cái đục”.

Ông Hùng đến nay cũng đã có 50 năm gắn bó với nghề mộc, nhà ông ở ngay gần ngôi đình làng, từ khi sinh ra, ngôi đình đã chứng kiến bao thăng trầm trong cuộc đời người nghệ nhân, chính vì thế ông có một loại tình cảm vô cùng đặc biệt với ngôi đình này.

Tình cảm với ngôi làng đã thôi thúc ông lên ý tưởng chế tác một ngôi đình làng nguyên bản bằng gỗ thu nhỏ, lấy thiết kế từ ngôi đình làng Hữu Bằng.

“Tôi tự hào vì đến nay quê tôi còn giữ được một ngôi đình cổ có kiến trúc tương đối đẹp, với dân làng tôi thì đây là một kỷ vật của quê hương. Mọi công việc lớn nhỏ trong làng ngôi đình gần như đều “chứng kiến”, vì vậy tôi đã ấp ủ và đau đáu việc thu nhỏ ngôi đình làng mình thành một mô hình được làm từ gỗ”, ông Hùng chia sẻ.

Hàng ngày vào mỗi buổi sáng, sau khi ra sân đình tập thể dục, ông Phan Lạc Hùng đều dành ra 30 phút để ngắm nghía tổng quan đình, dùng điện thoại chụp ảnh lại các chi tiết nhỏ đem về nghiền ngẫm, tính toán cách làm.

Mô hình đình làng Hữu Bằng được ông Hùng dùng 3 năm để tìm hiểu và lên ý tưởng, rồi lại mất hơn 2 năm để gia công. Trong suốt thời gian đó, mỗi ngày ông Hùng đều dành ra từ 6 đến 8 tiếng để hoàn thiện tác phẩm của mình.

Đây là mô hình được làm với tỷ lệ 1/1000, tuy nhiên đến từng viên ngói siêu nhỏ cũng được ông Hùng làm rất tỉ mỉ từ gỗ ép sơn màu gụ, dập cắt nhỏ thành hình dạng y hệt với viên ngói của mái đình. Ông Hùng đã phải mất 2 tháng để có thể làm xong chi tiết mái ngói.

Bộ cửa sơn son thiếp vàng cũng giống y hệt từ kiểu dáng tới chất liệu so với bản thật, thậm chí còn có thể mở ra vào. Ông Phan Lạc Hùng chia sẻ, mỗi một chi tiết trong mô hình đều phải đặc biệt tỉ mỉ ở nhiều công đoạn, từ giải phẫu vật thể, tìm vật liệu thích hợp tới gia công các chi tiết, sau đó lắp ráp, phối màu, phối cảnh…

Mô hình này có trọng lượng khoảng 60kg, đây được xem là mô hình đình bằng gỗ nhỏ nhất Việt Nam. Tác phẩm đã đạt đến trình độ tinh xảo giống gần 80% so với phiên bản gốc từ những chi tiết nhỏ nhất.

Theo ông Hùng, mô hình này được tạo nên một phần là bởi mong muốn bảo tồn, lưu giữ lại kiến trúc ngôi đình làng cổ quê nhà, để lại cho con cháu sau này, để họ biết quý trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ngoài ra, đây cũng là cách góp phần quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.

“Khi hoàn thiện xong tôi rất vui, có người liên lạc hỏi mua với giá tiền tỷ nhưng tôi không bán, tôi muốn dành di sản này cho con cháu, để giáo dục con cháu trong nhà biết yêu văn hoá truyền thống quê hương”, ông Hùng chia sẻ.

Related posts

Tình hình nóng đại dịch Covid 19 ở Việt Nam ngày 19/12

Tin Tức Đa Chiều

New York Times vừa xác nhận phát hiện cả một ruộng dưa hấu trên sao Hỏa và sự thật…

Tin Tức Đa Chiều

Sốt cộng đồng mạng vì vẻ xinh đẹp của nữ phiên dịch viên TQ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment